rồi. Còn lại toàn mấy bà già vú mướp thôi.
Lập tức, trí nhớ kéo ông về cái hốc tường sân vận động. Cô gái ấy, biết
đâu cũng có xuất phát điểm tự một nơi nào đó giống nơi này. Những cuộc
dạt phiêu lòng vòng, lẩn quẩn. Ông thoáng thấy trong giọng điệu của gã
trai, có chút gì đó định kiến với cái gọi là “thành phố”.
Thành phố hay tỉnh, đâu cũng vậy thôi mấy anh. Người dưới này
muốn lên trển. Người ở trển lại tìm cách đi. Người đã đi lại muốn quay về.
Lòng vòng như đám kiến hết.
Thầy nói đúng, tui từng ở thành phố về chớ đâu - Người lớn tuổi nhất
gục gục, ực ly mới.
Vậy sao? Xưa ở trển, anh ở đâu, làm gì?
Tui đi học, cũng được ba năm. Rồi kiếm việc ở trển không nổi. Phần
nữa tui con lớn, ông bà già kêu về, thế là về lại đây. Về đây, cái nghề tui
học hổng nơi nào cần. Rốt cuộc bỏ ngang, đi làm xưởng cưa. Xưởng cưa
đóng cửa vì hết rừng, hết gỗ, tui theo tàu cá. Chủ tàu cá bán tàu, tui lại đi
làm vườn. Mười mấy năm lòng vòng vậy rồi đó thầy.
Hóa ra ông ta là người có học, nên cách ăn nói, vị thế cũng khác đám
đàn em.
Vậy gia đình anh giờ sao. Có ổn không?
Vợ tui nó chết rồi. Đạp xe đi bán bắp ngoài lộ này, bị xe ben cán chết.
Tui có thằng con trai, cũng mười mấy tuổi rồi, suốt ngày lang thang, uýnh
lộn. Tui lo cày, không coi được nó - Ông ta nói chuyện khổ đau động trời
với giọng khô khốc, chẳng hề tránh né.
Không khí chợt lắng lại. Ông biết, người đàn ông này không thể nào
vô cảm. Có chăng, mọi trầm uất đã bão hòa, trượt trên trái tim lì chai, bầm
dập của ông ta. Ông muốn nói, tôi cũng chẳng hơn gì ông. Nhưng hai nỗi
đau phần nhiều khác biệt, chẳng dễ gì chia sẻ, an ủi cho nhau, nên lại thôi.
Chiếu rượu lặng dài thêm một lúc.
Còn mấy chai? - Người đàn ông quay qua gã trúng số.
Hai chai nữa. Cưa hết luôn đi ha.
Hết chớ sao.