Liên Xô, Đại tá Oleg Penkovsky, đã cung cấp cho phía Mỹ tọa độ chính xác
của các trận địa tên lửa mà sau đó được chiếc U-2 xác nhận. Kennedy nhận
được tin này vào ngày 16 tháng 10. Sáu ngày sau, cuộc khủng hoảng bắt
đầu.
Điều không thể tin nổi trong thái độ của Khruschev là ở chỗ, trong
khi các khẩu đội tên lửa đất đối không được bố trí khắp nơi trên hòn đảo,
vậy mà hoàn toàn không có nỗ lực nào trong việc ngăn chặn đối phương
phát hiện ra các vị trí phòng thủ Cuba-Liên Xô bằng máy bay do thám trên
không.
Đây không còn là vấn đề liên quan đến chiến thuật hay chiến lược.
Nó là một quyết định liên quan đến việc có ý chí và quyết tâm hay không
trong việc duy trì lập trường vững vàng trong tình huống căng thẳng vừa
phát sinh. Và theo quan điểm của chúng tôi, đã được chúng tôi tuyên bố
công khai từ khi đó cũng như ngay trong lúc này, thì việc cho phép các máy
bay do thám đó bay qua không phận của Cuba đã tạo cho kẻ thù một lợi thế
rất lớn. Nó cho phép đối phương có cả một tuần liền để tổ chức kế hoạch
đáp trả, cả về chính trị và quân sự.
Khi khủng hoảng nổ ra, Khruschev không ý thức được một cách rõ
ràng cần phải làm gì. Tuyên bố đầu tiên của ông ta là một lời lên án mạnh
mẽ và hùng hồn đối với quan điểm của Kennedy.
Và khi đó Kennedy đã làm gì?
Kennedy liên hệ với Khruschev, người mà sau đó đã phạm phải một
sai lầm nghiêm trọng, một sai lầm cả về chính trị và đạo đức. Trong một lá
thư, Khruschev đã nói dối Kennedy; ông ta khẳng định với Tổng thống Mỹ
rằng đó chỉ là những vũ khí “phòng thủ”, không phải vũ khí chiến lược. Rõ
ràng đó là những vũ khí có thể được sử dụng cho mục đích phòng thủ,
nhưng cũng là vũ khí tấn công. Có tất cả ba mươi sáu quả tên lửa chiến lược
tầm trung đã được triển khai ở Cuba, cùng với những hệ thống vũ khí khác.
Và vị Tướng Liên Xô được giao nhiệm vụ chỉ huy lực lượng này có thẩm
quyền, trong những tình huống cấp bách, sử dụng các loại vũ khí (hạt nhân)
chiến thuật đó mà không cần tham khảo ý kiến của Mát-xcơ-va.