Nehru, hai lãnh tụ thanh-niên, đòi tuyên-bố ngay Độc-lập, và khởi sự ngay
sau đó Cam-Địa yêu cầu hãy gửi tối hậu thư cho người Anh một hạn là hai
năm để từ giã đất Ấn. Đảng không chịu. Ông phải hạ kỳ hạn ấy một năm.
Ông phát thệ rằng tới ngày 31 tháng chạp năm 1929, nếu Ấn không thành
một tự trị lãnh, thì ông sẽ tình nguyện đi khắp nước để cổ võ phong-trào
độc-lập.
Để dự bị cuộc hành-động sau này, ông dùng suốt năm 1929 để đi khắp
nơi hô hào dân chúng.
Trong khi ấy thì dân chúng tiếp tục tẩy chay phái đoàn Simon. Ngày
mồng 8 tháng 4, Bhafhat Singh, người Sikh đã giết viên Cảnh-sát-trưởng
Lahore để báo thù cho Laypat Rai đàng hoàng tiến vào Lập-pháp-viện bấy
giờ đang họp ở New Delhi, ném 2 trái bom vào các hàng đại-biểu rồi lăm
lăm tay súng mà rút lui. May không ai bị chết, trừ một đại biểu bị thương
khá nặng. Sir John Simon chính mắt chứng kiến vụ bạo động trên hàng ghế
thính giả. Đó là kỷ niệm cuối cùng của ông trên đất Ấn, vì phái đoàn vội vã
về nước ngay trong tháng ấy.
Tháng 6 năm 1929, cuộc Tổng tuyển cử Anh kết liễu với sự đắc thắng
của Đảng Lao-động. Ông Ramsay Madonald lên cầm quyền chính. Cam-Địa
hy vọng sự thay đổi này sẽ đem lại một giải pháp để ổn định tình thế mỗi lúc
một khẩn cấp.
Lord Irwin vội vã về ngay Anh để xin huấn lệnh mới. Đến khi ông về
Ấn với lời hứa sẽ triệu tập một hội nghị Bàn Tròn để quyết định về chính thể
tương lai của Ấn, thì các lãnh tụ ôn hoà như Cam-Địa, Matilal Nehru,
Besant buộc trước hết hãy vỗ an dân tình bằng cách ân xá cho phạm nhân
chính trị cùng là hứa sẽ nhận cho Đảng Quốc hội được hưởng một thành
phần rộng rãi trong Hội nghị Bàn Tròn. Nhưng các lãnh tụ quá khích như
Soubhas Chandra Bose và Yaouaharl Nehru, bấy giờ đang là chủ tịch đảng
Quốc hội. phản kháng kịch liệt việc hoà giải với người Anh. Mặc, các lãnh
tụ ôn hoà cứ việc tự ý quyết định thảo luận với Lord Irwin ngày 23 tháng
chạp.