« Khí giới không xâm phạm đến linh hồn, lửa đỏ không đốt cháy được
linh hồn, nước cả không dâng được tới linh hồn, và gió lớn chẳng thổi được
linh hồn se cạn. Và cũng bởi sự sống đã mang sẵn mầm tiêu diệt, mà cái
chết chỉ là dấu hiệu của sự hoàn sinh. Cho nên nhà vua chẳng nên bi thảm
vì số mạng bọn phản thần ».
Ngoài ra, thần Krichna còn nhắc nhà vua là ngài thuộc dòng giống
chiến sĩ, vậy bổn phận ngài là phải chiến đấu.
Nhiều nhà thông thái Ấn-Độ coi bộ kinh Ghita như là một bản hùng ca
trần thuật một cuộc chiến tranh trong đó một vị tướng cầm quân vì lòng bác-
ái mà muốn tránh máu đổ thịt rơi, song Thượng-Đế đã nhắc ông ta trở lại
bổn phận tối cao của người chiến sĩ, là không ngần ngại dùng võ lực mà diệt
ác trừ gian.
Nhưng Thánh Gandhi vốn chủ trương thuyết tranh đấu bằng tinh thần
chứ không bằng võ lực, không tán thành quan-điểm đó.
Theo Thánh, kinh Ghita vốn là một tượng trưng. Bãi chiến trường nói
trong kinh là lương tri con người, trong đó những linh tính tốt của chúng ta
cố gắng chế ngự những khuynh-hướng thấp hèn. Krichna là tiếng nói của
lương tâm, ngự trị trong mỗi người chúng ta. Vua Aryouna tượng-trưng cho
lòng thiện. Các phản thần tượng trưng cho lòng ác. Còn cuộc giáp chiến của
hai đội quân tả trong kinh Ghita chỉ là một hình ảnh người viết kinh dùng để
tả cho thêm hào hứng cuộc xung đột giữa lòng thiện và lòng ác của con
người.
Kinh Ghita, theo thánh Cam-Địa, còn dạy người ta một phương châm
xử thế là phải hành động, hành động luôn luôn và mãi mãi. Nhưng phải hành
động một cách thanh cao, không vụ lợi. Kinh Ghita nói :
« Người hãy vững tâm chiến đấu, trong cơn phiền não cũng như trong
nỗi tươi vui, khi được cũng như khi thua, trong lúc can-qua cũng như trong
khi vĩnh thịnh ».
Nhưng kẻ hành động không phải vì thế mà chịu thiệt thòi. Thánh
Gandhi cho rằng có bỏ hết được mọi điều thế tục thì sự hành động mới có