được đối đãi hoàn toàn bình đẳng với người Âu. Ông công nhận rằng người
Âu, ở trên nước họ, có quyền được hưởng sự bảo vệ của luật pháp trước sự
tràn lấn của người ngoại quốc di cư vào mỗi lúc một đông. Ông cũng không
bắt buộc đối phương phải bỏ ngay sự phân biệt mầu da ở các nơi công cộng
như xe hỏa, công viên, v.v…
« Chúng tôi rất nhục-nhã vì sự phân-biệt đó, song chúng tôi im lặng,
kiên-nhẫn mà chịu ! » Cam-Địa nói thế vì ông hiểu rằng : « Những thành
kiến không thể nhất thời phá được bằng luật-lệ. Phải chờ một thời-gian
trình-độ người ta tiến hơn thì tức khắc những thành-kiến đó tự nó mất đi ».
Vậy Cam-Địa chỉ công-kích các chính-phủ ở Nam-Phi về chỗ đáng lẽ
phải tìm cách nâng cao trình-độ tinh-thần của dân chúng đối với những vấn-
đề chủng-tộc, để các thành-kiến chóng mất đi, thì củng-cố thêm những
thành-kiến đó bằng luật-lệ, khiến chẳng khác lửa đổ thêm dầu. Cam-Địa
muốn nêu cao một nguyên-tắc là người Ấn đã là con dân của đế-quốc Hồng-
Mao (hồi ấy Ấn-Độ còn là thuộc địa của Anh) thì lẽ dĩ nhiên họ có quyền
được đối đãi ngang hàng với tất cả mọi phần-tử trong đế-quốc. Vậy nếu bị
hành hạ mà người Ấn cứ câm lặng không phản kháng, thì họ thành ra hèn
nhát không còn giá trị ; và người Anh cứ nghiễm-nhiên lợi-dụng sự hèn nhát
đó cũng tự hạ chẳng kém gì.
Cho nên đòi hỏi cho người Ấn những quyền lợi dĩ nhiên của họ, Cam-
Địa chủ trương cứu vãn giá trị cho cả người Ấn lẫn người Anh.
Con người đang hăng-hái tranh-đấu đó nay không còn là chàng sinh-
viên rút rát ngờ-nghệch ngày trước nữa. Bây giờ Cam-Địa đã thành một nhà
hùng biện, một lãnh-tụ khôn ngoan, một nhà tổ-chức khéo-léo đầy kinh-
nghiệm, và một chính-trị gia mềm mỏng gây được cảm tình của cả mọi
người từ bé chí lớn.
Biết rằng cần phải có mặt rất lâu ở Nam-Phi, thì phong trào tranh-đấu
mới có cơ-hội kết thúc, năm 1896 Cam-Địa tự cho phép nghỉ 6 tháng để về
nước đón gia-đình.