Để trẻ học cách lập kế hoạch chi tiêu
Đối với trẻ, bồi dưỡng ý thức tiết kiệm từ khi còn nhỏ vừa là một kỹ
năng sống, lại vừa là một việc tốt. Nó đòi hỏi sự phối hợp ăn ý giữa phụ
huynh và nhà trường. Ở nước Bỉ, các trường từ tiểu học đã bắt đầu triển
khai dạy các môn học chuyên ngành, dạy trẻ hiểu các công việc của
người thành niên, thế nào là tiền công lao động, làm thế nào để phân
biệt hàng hóa và giá cả… Đồng thời, hướng dẫn cho trẻ hiểu mối quan
hệ giữa người tiêu dùng với quảng cáo trên các phương tiện truyền
thông đại chúng, hiểu được sự ảnh hưởng của các mẫu quảng cáo đối với
người tiêu dùng. Ngoài ra, trường học thường xuyên có các buổi nói
chuyện với bọn trẻ, với các nội dung như: không phải cuộc sống của ai
cũng giống nhau, có người giàu, người nghèo, người đủ ăn đủ mặc và cả
những người ăn không no, mặc không ấm, điều đó cảnh báo chúng ta
phải biết tích lũy, tiết kiệm.
Nếu như nói, giáo dục trong nhà trường chỉ là trên lý thuyết, thì
hành động của cha mẹ lại có tác dụng thay đổi một cách rất tự nhiên đối
với trẻ. Cách làm của các bậc phụ huynh ở Bỉ trên phương diện này vô
cùng cẩn thận. Trước khi tiêu tiền, họ luôn lập ra kế hoạch chi tiêu và
nói cho trẻ biết tiêu vào việc gì, tiêu như thế nào. Cũng như vậy, khi cho
trẻ tiền tiêu vặt, cha mẹ sẽ đề nghị trẻ để ra một phần, rồi giúp trẻ lập ra
mục tiêu chi tiêu có kế hoạch.
Dưới sự hướng dẫn của các ông bố, rất nhiều trẻ có thể hiểu được,
cuộc sống cần phải có tính toán kỹ lưỡng, lúc nào cũng phải dự trù một
khoản tiền phụ để phòng rủi ro.
Mọi người đều biết rõ tầm quan trọng của mục tiêu tài chính, nhưng
rất ít người thực hiện được điều đó, nguyên nhân chính là do không xác
lập ra các kế hoạch tài chính cụ thể.
Mỗi người buộc phải thực hiện một kế hoạch tài chính lâu dài, phù
hợp với tình hình bản thân; chỉ có cách lên kế hoạch hợp lý, mới có thể
biến lý tưởng thành hành động. Nhưng, phía sau kế hoạch lâu dài đó,
phải đưa ra các kế hoạch chi tiêu hợp lý, trong cuộc sống hàng ngày,
điều này là rất quan trọng.
Bất kể là trẻ tự đi mua sắm, hay cha mẹ dẫn đi cùng, thì việc trước
tiên cần làm, là phải sắp xếp kế hoạch chi tiêu từ khi ở nhà. Đưa ra các
kế hoạch nghiêm túc, mới có thể giảm tối đa các khoản chi tiêu phát
sinh không hợp lý, từ đó, dồn số tiền thừa vào một khoản cho những
mục tiêu tiếp theo, quản lý tài chính thực sự đơn giản như vậy đó.