trong cũng như ở ngoài. Cuộc khủng hoảng năm 1811 đã xác định dứt
khoát cho ông hoàng đế đi theo hướng đó. Về sau này, ở Vi-tép, khi bắt đầu
tiến quân sang Mát-xcơ-va, bá tước Đa-vu đã thẳng thắn tuyên bố với Na-
pô-lê-ông rằng quân đội, đến cả số lớn cận thần của hoàng đế, không ai
hiểu được mục đích của cái chiến dịch gian khổ đánh nước Nga này, bởi vì
nếu chỉ do nguyên nhân hàng hóa Anh mà gây chiến với A-lếch-xan thì lợi
không bù hại. Nhưng đầu óc Na-pô-lê-ông không thể nào tiếp thu luận
điểm ấy được. Na-pô-lê-ông tìm thấy ở trong việc bóp nghẹt nền kinh tế
của nước Anh, mà Na-pô-lê-ông đã quyết tâm theo đuổi, một phương sách
duy nhất để bảo đảm sự vững bền của nền đại quân chủ mà ông ta đã xây
dựng nên. Đồng thời Na-pô-lê-ông cũng còn thấy rõ ràng cuộc liên minh
với nước Nga bị tan vỡ không phải chỉ vì sự bất đồng ý kiến xung quanh
vấn đề Ba Lan, không phải chỉ vì A-lếch-xan giận dữ và lo ngại về việc Na-
pô-lê-ông chiếm đóng một phần các quốc gia Phổ và xâm chiếm miền bắc
nước Đức, mà trước hết vì nước Nga rất tin cậy vào nước Anh trong tương
lai, cũng hệt như nước Anh đã đặt hết lòng tin của mình vào nước Nga.
Nhưng Na-pô-lê-ông không thể với thẳng đến nước Anh được: vậy phải
đánh nước Nga.
Quái tượng đẫm máu của một cuộc xung đột vũ trang mới và khổng lồ
đang vạch vẽ ở chân trời thế giới.