nhốn nháo, hoảng hốt, trước hết là ở hoàng cung. Nhân dân kinh thành
được biết rằng trong hoàng cung người ta đang vội vàng đóng gói vàng bạc,
châu báu của hoàng gia cất giấu vào chỗ kín. Một cuộc xâm lược của quân
đội Pháp đang đe dọa thủ đô nước áo. "Tướng An-ni-ban đã đứng ở cổng
rồi! Bô-na-pác đang ở Ti-rôn rồi! Ngày mai Bô-na-pác sẽ đến Viên!".
Những tin đồn loại ấy, những lời bàn tán, những tiếng than vãn như vậy còn
âm vang mãi trong ký ức những người đương thời đã sống qua những giờ
phút ấy ở cái thủ đô già nua và béo bở của đất nước quân chủ của dòng họ
Háp-xbua. Những đội quân áo tinh nhuệ nhất bị tiêu diệt, những tướng lĩnh
thao lược và tài năng nhất bị đại bại, tất cả miền bắc nước ý bị mất, thủ đô
nước áo bị đe doạ trực tiếp, đó là thành tích cái chiến dịch một năm của Bô-
na-pác bắt đầu vào cuối tháng 3 năm 1796, thời kỳ mà lần đầu tiên Bô-na-
pác làm chỉ huy trưởng một đạo quân Pháp. Tên tuổi Bô-na-pác vang lừng
khắp châu Âu.
II
Sau những thất bại mới và cuộc tổng rút lui của đại công tước Sác,
triều đình Viên đã nhận thấy nguy cơ nếu kéo dài chiến tranh. Trong những
ngày đầu tháng 4 năm 1797, tướng Bô-na-pác được tin báo chính thức là
hoàng đế Phran-xoa nước áo đề nghị mở cuộc đàm phán hòa bình. Cũng
cần chú ý rằng về phần Bô-na-pác, ông ta cũng cố gắng tìm mọi cách để
chấm dứt chiến tranh với nước áo vào một thời cơ thuận lợi nhất cho mình
và trong khi Bô-na-pác tập trung mọi lực lượng để truy kích đại công tước
Sác đang vội vã rút lui thì đồng thời Bô-na-pác cũng báo tin cho đại công
tước Sác biết là mình sẵn sàng điều đình ngừng chiến. Người ta nhận thấy
bức thư của Bô-na-pác thật là kỳ lạ: trong thư, để không làm tổn thương
lòng tự ái của kẻ bại trận, Bô-na-pác viết rằng nếu ký được hòa ước thì Bô-
na-pác sẽ lấy làm tự hào hơn là "cái vinh quang đau thương cho những
thắng lợi quân sự đem lại". "Chúng ta đã giết hại mất khá nhiều sinh linh và
đã phạm khá nhiều tội đối với nhân loại đau thương rồi!". Bô-na-pác nói
với Sác như vậy.