với hai người này, để đảm bảo họ không bao giờ có thể đứng vào hàng ngũ
những nhà giáo dục được nữa”.
Phía sau mỗi một từ ngữ trong cái bài báo mang tính công kích dữ dội này
đều được in thêm một chấm đen thể hiện ý nhấn mạnh, và nhìn toàn thể
chúng chi chít nhiều đến nỗi trông như họ đang châm cứu trên mặt báo vậy.
Vừa đọc xong, tôi hét lên: “Rác rưởi”, rồi nhảy ra khỏi giường. Điều bất
ngờ đến khó tin là sau khi làm vậy thì cơn đau dữ dội mà tôi đang chịu
đựng bỗng thuyên giảm một cách đáng kể, và gần như khỏi hẳn.
Tôi vò tờ báo đến nhàu nát rồi ném nó ra vườn, nhưng vẫn chưa hả giận, tôi
lại nhặt nó lên và đem nhét xuống hầm cầu. Báo chí toàn đăng những thứ
dối trá trắng trợn. Nếu ai đó muốn biết ở đâu chứa đựng những điều dối trá
nhất thế giới thì câu trả lời chính là nơi đây, báo chí đấy. Trên mặt báo, bọn
chúng tha hồ bịa đặt ra những câu chuyện ngay cả chính tôi cũng có thể
nghĩ ra được. Và rồi chúng gọi tôi là cái gì chứ? “Một tên côn đồ nào đó
vừa được thuê từ Tokyo đến” à? Một lũ xấc xược! Thế giới này lại có người
tên là “một kẻ nào đó” ư? Đừng quên rằng, cho dù chúng gọi tôi bằng tên gì
đi nữa thì sự thật tên tôi vẫn rất kêu, và nếu chúng muốn xem, tôi sẵn sàng
trưng ra cho chúng thấy cái gia phả đáng tự hào của nhà mình, bắt đầu từ
ông Minamoto thuộc dòng họ Mitsunaka...
Lúc rửa mặt, bỗng tôi cảm thấy đau đau trên má, tôi bèn hỏi mượn bà chủ
cái gương để xem sao. Bà mang nó vào cho tôi và hỏi thêm là tôi có đọc
báo chưa. Tôi bảo đọc rồi, mà cũng nhét nó xuống hầm cầu luôn rồi, nếu bà
muốn xem thì cứ tự moi lên lại. Thế là bà ấy liền rút đi với vẻ khá hoảng sợ.
Tôi lấy gương soi thì thấy những vết bầm tối qua vẫn còn nguyên đấy. Dù
người ta có nói thế nào về mặt tôi, tôi cũng rất yêu quý nó, để nó ra nông
nỗi như hôm nay với tôi đúng là một chuyện nghiêm trọng; đã phải mang
những vết bầm choán gần hết mặt thế này mà lại còn bị hạ thấp đến mức
không còn tên tuổi như “một kẻ côn đồ nào đó”, quả thật không thể chấp
nhận được.