— Phong với chả tục! – Baudrières càu nhàu.
Ông nói đúng, cái ông Baudrières vui tính ấy, nhưng lại không đúng khi
ông thừa cơ tỏ vẻ hùng biện thốt ra mấy lời hoa mỹ sau đây:
— Chúng đấy, thưa các ngài, cái bọn man rợ mà các ngài muốn biến
thành những cử tri yêu chuộng hòa bình!
Có lẽ ông tưởng mình đang đứng trên diễn đàn.
Barsac giật nảy người như bị kiến đốt. Ông rướn thẳng lên rồi đáp, giọng
khô khan:
— Ngài hãy nói với những ai chưa bao giờ nhìn thấy người Pháp đánh
phụ nữ!
Ông Barsac cũng đúng.
Lẽ nào chúng tôi lại phải chứng kiến một cuộc đấu khẩu? Không,
Baudrières không trả đũa. Barsac quay lại phía gã da đen đang cầm roi.
— Cô bé này sẽ không ở lại với ông nữa, – ông nói – Chúng tôi sẽ đem cô
ấy đi theo.
Gã da đen phản đối vì cô bé đó là nô lệ của hắn.
— Tôi sẽ mua lại cô bé nô lệ của ông, – Barsac nói – Bao nhiêu?
Hoan hô ông Barsac! Ý định thật là tuyệt!
Gã da đen thấy có dịp vớ bở nên đã bình tĩnh lại. Gã đòi một con lừa, một
khẩu súng và năm mươi franc.
— Năm mươi roi thì có! – Đại úy đáp lại. – Mi hoàn toàn xứng đáng với
số roi đó.
Họ bắt đầu mặc cả. Cuối cùng, tên bợm chịu nhường cô hầu gái để lấy
một khẩu súng hỏa mai cũ kỹ, một mảnh vải và hai mươi lăm franc.
Trong khi mọi người còn đang tranh cãi thì cô Mornas đã đỡ Malik dậy và
băng bó các vết thương cho cô bé. Đến lúc việc mua bán đã xong, cô dẫn cô
bé về trại của chúng tôi, mặc cho cô bé chiếc áo blu trắng và nói, sau khi đã
đặt vào tay cô bé mấy đồng bạc:
— Em không phải làm nô lệ nữa. Tôi cho em tự do đi đâu thì đi.
Nhưng Malik òa lên khóc nức nở; cô không còn ai thân thích trên đời, cô
không biết đi đâu và cô cũng không muốn xa “người phụ nữ da trắng tốt
bụng đến thế”: cô bé muốn làm con sen cho cô Mornas.