ĐẦU TIÊN, tôi có thể nói với các bạn rằng chúng tôi ở tít tầng bảy leo
bộ và với madame Rosa, nặng chừng ấy ký mà chân cẳng chỉ nhõn một đôi,
việc ấy là cả một nguồn cơn lo âu khổ sở hằng ngày. Hễ không ta thán về
nỗi già khác là Madame lại nhắc chúng tôi thế, bởi đã vậy Madame còn là
người Do Thái nữa. Sức khỏe Madame lại không được tốt nên tôi cũng có
thể nói ngay rằng nếu có ai đó đáng mặt được leo thang máy thì người đó
chính là Madame.
Chắc tôi khoảng ba tuổi khi gặp madame Rosa lần đầu tiên. Trước đó,
người ta không có trí nhớ và sống trong u mê. Tôi thôi u mê khi lên chừng
ba bốn và thỉnh thoảng cũng ra ngẩn và ngơ vì nó.
Ở Belleville có đủ Do Thái nào Ả-rập nào Đen như madame Rosa cứ
phải một mình lọ mọ bảy tầng lầu. Madame bảo thế nào cũng có ngày
Madame ngoẻo trên cầu thang cho mà xem, thế là cả lũ bọn tôi đồng loạt
bù lu bù loa vì người ta toàn làm thế khi ai đó chết. Bọn tôi hồi ấy khoảng
sáu bảy đứa nhưngcũng có lúc đông hơn.
Dạo đầu tôi không biết madame Rosa trông mình chỉ để lĩnh một tờ
ngân phiếu cứ cuối tháng lại về. Khi vỡ ra sự tình tôi chừng sáu bảy tuổi và
choáng vì biết mình được chu cấp tiền. Tôi cứ tưởng Madame tự dưng quý
mình và hai chúng tôi sinh ra là để dành cho nhau. Tôi sùi sụt cả một đêm
ròng và đó là nỗi tủi hờn lớn đầu tiên trong đời tôi.
Thấy rõ là tôi ấm ức, madame Rosa giảng giải máu mủ ruột rà có ra
thể thống gì, nhiều nhà còn buộc chó ở gốc cây rồi mặc kệ đấy để đi nghỉ
hè và năm nào cũng có tận ba nghìn con lăn ra chết không bàn tay săn sóc.
Madame bế tôi lên lòng và thề coi tôi là người thân thiết nhất trên đời
nhưng tôi nhớ ngay đến tờ ngân phiếu, òa khóc và bỏ đi.
Tôi xuống quán cà phê của ông Driss và đến ngồi trước mặt ông
Hamil, người bán thảm rong khắp nước Pháp và đã thấy tất tật mọi thứ trên
đời. Ông có đôi mắt đẹp khiến xung quanh ông ấm lòng. Khi tôi quen ông
thì ông đã lụ khụ và từ bấy chỉ làm mỗi việc là già đi.