CHƯƠNG
20
N
hững gì tôi nhớ nhất về ông ngoại Bill là đôi bàn tay, một đôi bàn tay
chắc khỏe với những ngón tay ngắn và dày dặn như những chiếc bu lông,
những ngón tay chắc nịch, nhanh thoăn thoắt khi ông sửa chữa những động
cơ nhỏ bé. Tôi vẫn nhớ đôi bàn tay ấy đã nắm lấy tay tôi khi còn nhỏ, và
cái cảm giác “mọi chuyện rồi sẽ ổn” mà nó mang lại cho tôi khi ấy. Tôi vẫn
nhớ cái cách mà ngoại đối xử với cả thế giới với sự kiên nhẫn tuyệt đối, đặt
mọi sự chú ý và tập trung của mình vào từng công việc mà ông làm, dù chỉ
là việc lau cặp kính mắt của mình, hay đỡ đần mẹ tôi đi qua những ngày
dông bão của cuộc đời. Ngoại vẫn ở đó vì mẹ, trong những ký ức đầu tiên
trong đời tôi, ngoại thì thầm bên tai mẹ, vượt qua cả những tiếng la hét, đôi
bàn tay rắn chắc đặt lên vai bà có thể xoa dịu cơn dông tố. Mẹ luôn luôn
trong trạng thái tâm thần lưỡng cực - đó không phải là trạng thái sức khỏe
mà bạn bỗng nhiên gặp phải như bệnh cúm - nhưng khi ngoại còn sống,
những con sóng dữ dằn của hội chứng đó không bao giờ có thể nổi dậy.
Ngoại thường kể cho tôi những câu chuyện về việc câu cá tại sông
Minnesota, gần Mankato, nơi ông đã lớn lên, về việc chuyên chở cá da trơn
và loài cá walleye bằng ghe, tôi đã mơ ước về một ngày mình có thể đi câu
cá cùng ông. Và rồi, khi tôi mười một tuổi, cái ngày tôi mong đợi ấy cũng
đã đến. Ngoại tôi mượn một chiếc thuyền câu từ một người bạn, chúng tôi
bắt đầu khởi hành từ bờ phía Judson, để thuyền xuôi theo dòng sông êm
đềm nhưng cũng đầy mạnh mẽ, lịch trình này đã được lên kế hoạch sẽ kết
thúc tại một công viên ở Mankato trước khi trời tối.
Vào mùa xuân đó, con sông dường như bị tràn bờ bởi những con nước
chảy xiết, nhưng vào tháng 7, thời điểm chúng tôi đi câu cá, dòng sông đã
có vẻ lặng sóng hơn. Cơn lũ đã để lại đằng sau một tán cây lá phong chết
nhô lên từ đáy sông, các nhánh cây đâm chằng chịt trên mặt nước giống