“ 3000?” Tôi hốt hoảng. “Con cần số tiền đó để chi trả học phí.”
“Mẹ không thể ngồi tù, Joey.” Mẹ tôi bắt đầu khóc. “Nơi đó toàn những
người điên khùng. Họ thức suốt đêm chỉ để la hét. Mẹ không thể ngủ được.
Mẹ sẽ phát điên mất. Đừng để mẹ phải trở lại nơi đó. Làm ơn đi mà, Joey.”
Tôi mở miệng ra để nói, nhưng không thể nói được lời nào. Tôi cảm thấy
bà thật đáng thương - ý tôi là bà cũng là mẹ tôi, người phụ nữ đã đưa tôi
đến với cuộc đời này. Nhưng nếu tôi đưa bà 3000 đô, thì đến giữa kỳ học
tới, tôi sẽ hết sạch tiền. Suy nghĩ của tôi về việc ở lại trường đã gặp phải
ánh mắt tuyệt vọng nhất của mẹ. Tôi không thể nói được một lời nào. Dù
tôi có nói bất cứ điều gì đi chăng nữa, nó cũng trở nên sai trái. Tôi đã được
giải cứu khỏi tình trạng khó xử của mình khi hai người phụ nữ bước vào
phòng xử án qua cánh cửa ngay phía sau ghế thẩm phán, và ngay lập tức,
nhân viên hành pháp ở tòa án yêu cầu mọi người phải đứng dậy. Tôi hít một
hơi thật sâu, lấy làm biết ơn vì sự gián đoạn này. Thẩm phán bước vào, ra
hiệu lệnh cho mọi người ngồi xuống, và nhân viên tòa án áp giải mẹ tôi
ngồi vào một chỗ trong ban bổi thẩm cùng với những người tù áo cam
khác.
Khi nhân viên văn thư gọi những người cô ta đang nhắc đến trên những
chiếc ghế dài kia là “tù nhân”, tôi lắng nghe cuộc hội thoại qua lại giữa
thẩm phán và luật sư bào chữa, một nữ luật sư công bào chữa cho tất cả bốn
bị cáo. Điều này gợi nhớ cho tôi về một buổi tang lễ của người Công giáo
mà tôi đã tham dự khi một trong những huấn luyện viên thời trung học của
tôi qua đời. Các bài kinh cầu nguyện được những linh mục và giáo dân đọc
nhiều lần đến nỗi việc đọc vẹt này có vẻ như chẳng có ý nghĩa gì với những
người đứng ngoài như chúng tôi.
Thẩm phán hỏi: “Có phải tên bị cáo là…? Có phải bị cáo đang sống
tại…? Liệu bị cáo có hiểu quyền công dân của mình không? Luật sư, liệu
khách hàng của bà có hiểu được các chi phí cần phải trả?”