đang ở trong đường ống của một ngọn núi lửa nên không còn nghi ngờ gì
về điều đó nữa.
Nhưng lần này, thay vì một ngọn núi lửa đã tắt như ngọn Sneffels, chúng
tôi lại ở trong một ngọn núi lửa nào đó đang hoạt động. Do vậy, tôi bắt đầu
tự hỏi ngọn núi này ở đâu và mình bị bắn ra ở phần nào của mặt đất. Chắc
chắn là đâu đó phía cực bắc. Trước khi bị hư, kim địa bàn luôn chỉ cho thấy
chúng tôi đi về phương bắc. Phải chăng chúng tôi đã trở lại dưới lòng đất
Iceland? Phải chăng chúng tôi sẽ bắn ra theo một trong tám ngọn núi lửa
của hòn đảo này? Dĩ nhiên ở đó có nhiều miệng núi lửa, nhưng tôi muốn
biết chính xác là mình sẽ ra theo miệng núi lửa nào.
Về sáng, nhiệt độ xung quanh cũng như vận tốc đùn lên của những chất
phun trào càng tăng. Đó là hiện tượng bình thường của núi lửa khi tới gần
mặt đất. Giếng cũng rộng ra, thoáng hơn, nhuốm ánh sáng vàng hung. Từ
nhiều đường hầm sâu tun hút đâm ngang thành giếng, hơi nước ùn ùn tuôn
ra, trong khi lửa lưu huỳnh bắt đầu cháy trên vách đường hầm.
- Chú ơi, - tôi gọi – nhìn những ngọn lửa lưu huỳnh kìa! Chúng ta sắp
chết vì ngạt và lửa đốt rồi! Lại còn khối nước đang sôi sùng sục dưới chân
chúng ta nữa!
- Ở bên dưới bè bây giờ không phải nước nữa mà là dung nham! Dung
nham sẽ tiễn chúng ta tới tận miệng núi lửa!
Thật vậy, cột nước đã biến mất, nhường chỗ cho những chất phún xuất
khá đặc đang sôi sùng sục. Xung quanh nóng không chịu nổi. Người chúng
tôi đầm đìa mồ hôi. Cũng may là chúng tôi vọt lên khá nhanh nên không
đến nỗi chết ngộp. Khoảng tám giờ sáng, khối dung nham ngừng lại không
ùn lên nữa! Chiếc bè của đoàn thám hiểm hoàn toàn bất động!
- Chú ơi! – tôi hoảng quá kêu lên – Núi lửa thôi không phun trào nữa!
- Cháu đừng lo, nó chỉ ngừng lại vài phút rồi lại tiếp tục đưa chúng ta lên
thôi.
Giáo sư Lidenbrock chưa nói dứt lời, chiếc bè đã vọt lên rất nhanh.
Chúng tôi phải bấu chặt các xà gỗ mới khỏi bị văng ra ngoài. Rồi khối dung
nham bên dưới bè bỗng dừng lại.