trung tâm trái đất” và ra sức dùng ngòi bút và tiếng nói của mình ráo riết
tranh luận với các nhà bác học trên thế giới. Về phần mình, tôi mãi mãi vẫn
tin vào sự tồn tại của nhiệt lượng giữa lòng đất. Nhưng ở một vài trường
hợp chưa được xác định, quy luật này có thể thay đổi do tác động của
những quy luật tự nhiên.
Giữa lúc những vấn đề ấy đang được tranh cãi mà chưa đi đến một kết
luận nào thì Hans đòi về Iceland. Anh đã bắt đầu thấy nhớ quê hương. Giáo
sư Lidenbrock cố giữ anh lại, nhưng anh vẫn quyết định rời Hambourg.
“Farval!” Hans chào chúng tôi rồi lên đường đi Reykjavik. Ít lâu sau,
chúng tôi nhận được tin anh về đến nhà bình an và sống sung sướng. Chú
cháu tôi không bao giờ quên được người bạn đường dũng cảm đã bao lần
cứu chúng tôi thoát chết. Tôi nguyện cho đến lúc về già, thế nào cũng phải
có dịp tới xóm nhỏ gần chân núi Sneffels thăm anh một lần.
Nhưng giáo sư Lidenbrock không được hưởng chọn vẹn niềm vinh
quang của mình. Sự việc khó hiểu về cái địa bàn đã khiến ông mất ăn mất
ngủ. Không có gì đau khổ hơn đối với một nhà bác học là không giải thích
nổi một hiện tượng mang tính khoa học như thế!
Một hôm, trong khi đang sắp xếp lại các mẫu khoáng vật trong phòng
làm việc của giáo sư, bỗng thấy cái địa bàn ấy tôi liền cầm lên xem. Nó
nằm ở đó từ sáu tháng nay mà không biết rằng nó đã gây bao nhiêu ưu tư
cho vị giáo sư nổi tiếng ở đất cảng Hambourg.
Bất chợt, tôi thấy sững cả người. Tôi lên tiếng gọi giáo sư.
- Có chuyện gì đấy, Axel? – giáo sư hỏi.
- Chú nhìn cái địa bàn này xem!
- Cái địa bàn sao hả?
- Kim của nó chỉ hướng nam thay vì phải chỉ về hướng bắc. Nó đã đảo
cực.
- Sao? Đảo cực à? Có nghĩa là khi chúng ta vượt biển, cái địa bàn này đã
chỉ hướng nam chứ không phải hướng bắc.
- Đúng vậy!
- Điều đó đã giải thích sai lầm của chúng ta. Nhưng hiện tượng nào đã
khiến kim nam châm đảo cực nhỉ?