anh chàng thợ săn vịt biển người Iceland tiền công hàng tuần. Giáo sư cũng
quyết định luôn ngày hôm sau sẽ là ngày nghỉ ngơi.
Sáng chủ nhật, tôi thức giấc mà không bận rộn chuẩn bị để kịp lên đường
ngay như mọi khi, nên tôi vẫn cảm thấy dễ chịu. Vả lại chúng tôi cũng đã
quen với cuộc sống ở hang, ở động này rồi.
Cái động tạo thành một căn phòng rộng. Trên nền đá hoa cương, dòng
suối Hans vẫn êm đềm chảy. Sau bữa ăn sáng, giáo sư Lidenbrock muốn bỏ
ra vài giờ để chỉnh lại những ghi chép hàng ngày của ông. Giáo sư nói:
- Trước hết chú muốn tính toán xem chính xác chúng ta đang ở vị trí nào
giữa lòng đất, để sau này khi trở về có thể vẽ sơ đồ cuộc hành trình và mặt
cắt đứng của trái đất trình bày con đường mà đoàn thám hiểm đã đi qua.
- Chú quá cẩn thận, nhưng liệu quan sát của chú có đủ chính xác không?
- Rất chính xác! Chú đã cẩn thận ghi chép những độ ngoặt, độ dốc và tin
rằng mình không thể nhầm lẫn được, hãy kiểm tra xem chúng ta đang ở
đâu. Axel, cháu cầm lấy địa bàn xem có chỉ hướng nào.
Tôi mở địa bàn ra, quan sát kỹ rồi đáp:
- Đông đông nam, một phần tư!
Giáo sư ghi ngay số liệu quan sát ấy và nhanh chóng tính toán.
- Khá lắm, - giáo sư nói – theo tính toán có thể kết luận chúng ta đã đi
được tám mươi lăm dặm kể từ điểm xuất phát.
- Như vậy chúng ta đang du lịch ở bên dưới đáy Đại Tây Dương…
- Hoàn toàn đúng như vậy!
- Chúng ta đang ở cách chân núi Sneffels tám mươi tám dặm về phía
đông nam và theo những ghi chép vừa rồi ước tính mười sáu dặm sâu dưới
lòng đất.
- Sâu đến mười sáu dặm à? – tôi kinh ngạc kêu lên.
- Đúng thế, Axel ạ!
- Nhưng thưa chú, đây chính là giới hạn tột cùng của vỏ trái đất mà khoa
học đã phân định.
- Chú có phủ nhận điều ấy đâu?
- Theo quy luật tăng nhiệt độ thì ở đây nhiệt độ phải là một ngàn năm
trăm độ. Và tất cả đá hoa cương ở đay sẽ không còn giữ nguyên thể rắn mà