- Đây là thứ ngôn ngữ của dân tộc nào nhỉ? Arne Saknussemm là một
học giả thời bấy giờ. Một khi ông không muốn thể hiện bằng tiếng mẹ đẻ tất
nhiên sẽ chọn một thứ tiếng thông dụng nhất vào thế kỉ XVI, đó là tiếng
Latinh. Đúng, chắc chắn Arne Saknussemm đã viết bức mật thư này bằng
tiếng Latinh.
Tôi giật thót mình vì không thể ngờ được rằng những hàng chữ khó hiểu
này lại được viết bằng một thứ tiếng đơn giản nhất, tiếng Latinh.
- Đúng là tiếng Latinh rồi, nhưng bị đảo lộn thứ tự. Mình phải dò thật kỹ
lại từ đầu xem sao.
Giáo sư cầm mảnh giấy mà tôi vừa ghi chép khi nãy lên, ông trầm ngâm
một chút rồi nói:
- Được, ta cứ thử nghiên cứu xem, đây là 132 chữ cái được xếp lộn xộn.
Có những từ nhiều phụ âm ghép sát nhau như “mm, rutls”, một số khác lại
quá nhiều nguyên âm như “unteiet” hoặc “oseibo”. Sự sắp xếp cố tình
không đồng bộ này rõ ràng đã được tính toán. Chắc chắn đoạn văn bản gốc
được thảo ra một cách bình thường, sau đó ông Arne Saknussemm đã xáo
trộn nó theo một quy luật bí mật. Ai nắm được chìa khóa bí mật này sẽ đọc
được bức thư.
- Axel, cháu thấy thế nào?
Tôi không nghe giáo sư hỏi vì còn đang lơ đãng nhìn tấm ảnh của
Grauben treo trên tường. Cô cháu gái xinh đẹp của giáo sư đang ở chơi nhà
một người họ hàng ở dưới quê. Vắng bóng nàng tôi buồn không ít vì chúng
tôi yêu nhau đã lâu. Chúng tôi đã đính hôn với nhau nhưng chú tôi không
hề hay biết vì quá say mê môn địa chất học.