XI
Một hôm ở Genève, tôi đã hẹn với mẹ lúc năm giờ tại công viên nhỏ
trường Đại học, bị một cô ả tóc vàng giữ lại, tôi chỉ đến nơi hẹn lúc tám giờ
tối. Mẹ không thấy tôi đi đến. Trong lòng xấu hổ, tôi nhìn kỹ mẹ đang kiên
nhẫn đợi tôi, ngồi một mình trên ghế dài trong ngày tàn và không khí giá
lạnh với chiếc áo khoác tội nghiệp quá chật và chiếc mũ của mẹ xẹp xuống
một bên. Mẹ đợi ở đó, từ hàng giờ đồng hồ, ngoan ngoãn, lặng yên, hơi
buồn ngủ, già hơn vì cô đơn, cam chịu, quen với sự cô đơn, quen với những
sự chậm trễ của tôi, không phản kháng trong sự chờ đợi khiêm nhường của
mẹ. Chờ đợi con trai suốt ba giờ đồng hồ có gì tự nhiên hơn kia chứ, và đứa
con trai không có tất cả những quyền đó sao? Tôi ghét nó, đứa con trai này.
Cuối cùng mẹ trông thấy tôi và mẹ lại bắt đầu sống, hoàn toàn phụ thuộc
vào tôi. Tôi lại thấy cú giật mình đầy sức sống của mẹ trở lại, tôi lại thấy
mẹ từ trạng thái ngây dại chuyển đột ngột sang cuộc sống, mẹ trẻ lại, đột
ngột chuyển từ trạng thái ù lì của kẻ nô lệ hoặc của con chó trung thành
sang trạng thái cực kỳ quan tâm đến cuộc sống. Mẹ sửa lại mũ và nét mặt
bởi vì mẹ tha thiết làm cho tôi vinh dự. Rồi sau đó, mẹ già nua, mẹ có hai
cử chỉ của riêng mẹ, chúng từ đâu mà có và chúng bắt nguồn từ thuở ấu thơ
nào? Tôi lại thấy rõ đến thế hai cử chỉ vụng về mà nên thơ của mẹ khi từ xa
mẹ trông thấy tôi đi đến. Cái kinh khủng của người chết, đó là những cử chỉ
khi còn sống của họ đọng lại trong ký ức chúng ta. Vì như thế, họ sống ghê
gớm còn chúng ta thì không hiểu gì nữa.
Hai cử chỉ dai dẳng của mẹ, mỗi lần mẹ thấy con đến chỗ hẹn, trước tiên,
mắt sáng lên vì hạnh phúc rụt rè, mẹ chỉ con bằng ngón trỏ với một niềm
vui thích đầy phẩm cách để chỉ cho con thấy rằng mẹ đã nhìn thấy con,
thực ra là để tạo cho mẹ phong độ. Đôi khi con nén một thứ cười điên dại
khó chịu và xấu hổ trước cái cử chỉ phi lý, được đón chờ và quen thuộc đến
thế mà mẹ từng có để không chỉ con cho ai. Rồi sau đó, mẹ yêu quý, mẹ