một chiếc khăn, mình quấn một chiếc tạp dề từ cổ đến chân. Tất
cả phụ nữ có chồng ở Atlanta đều làm y tá với một nhiệt tình
gần tới mức cuồng tín, theo nhận định của Scarlett. Họ coi
đương nhiên là nàng cũng nồng nàn yêu nước như họ và ắt sẽ
công phẫn nếu biết rằng nàng hết sức hờ hững với cuộc chiến.
Ngoài nỗi day dứt thường trực lo Asley chết, nàng chẳng quan
tâm gì đến chiến tranh, và sở dĩ nàng săn sóc thương, bệnh binh
đó chỉ vì không có lối thoát nào khác.
Công việc y tá hoàn toàn chẳng có gì lãng mạn. Đối với nàng,
đó chỉ là rên la, mê sảng, hôi thối và chết chóc. Các bệnh viện
đầy những gã đàn ông bẩn thỉu, râu ria lởm chởm, chấy rận
khắp người, hôi hám kinh khủng và mang trên cơ thể những
vết thương gớm ghiếc đến độ khiến một người Cơ đốc cũng
muốn lộn mửa. Các bệnh viện nồng nặc mùi hoại thư, nó tấn
công hai lỗ mũi nàng từ xa trước khi tới cửa, một mùi thum
thủm buồn nôn dai dẳng bám vào tay, vào tóc nàng và len lỏi
vào cả những giấc mơ. Ruồi muỗi bay vo vo từng đám trong các
phòng, làm tình làm tội các người bệnh đến phát bẳn chửi thề,
văng tục hoặc thút thít khóc, và Scarlett vừa gãi những nốt
muỗi đốt, vừa quạt luôn tay đến đau bại cả vai, thậm chí nàng
mong muốn bọn họ chết cả đi cho rồi.
Tuy nhiên Melanie dường như bất chấp mùi hôi thối, những
vết thương cũng như cảnh những thân hình trần truồng.
Scarlett thấy điều đó thật kỳ lạ ở một phụ nữ vào loại nhút nhát,
e lệ nhất. Thỉnh thoảng, khi bưng chậu và dụng cụ cho bác sĩ
Meade cắt bỏ những chỗ thịt bị hoại thư, mặt Melanie nom
trắng bệch. Và có lần, sau một ca phẫu thuật như vậy, Scarlett
thấy cô ta trong căn phòng nhỏ để quần áo, lặng lẽ nôn vào một
chiếc khăn lau. Nhưng, chừng nào còn có mặt các thương binh,
cô vẫn dịu dàng, vui vẻ, dễ thương. Ở bệnh viện, người ta gọi cô
là thiên thần nhân hậu. Scarlett cũng thích được tặng cái danh
hiệu ấy, nhưng muốn thế thì phải đụng chạm với những người