Một lần, có mấy chàng hiệp sĩ khoe với nhau về thanh gươm của mình.
Họ nói rằng những thanh gươm ấy được làm bằng thứ thép tốt như thế nào,
những câu thơ tuyệt vời nào trích từ cuốn kinh Hồi giáo đã được khắc lên
gươm. Trong số những chàng hiệp sĩ đó có Khátgi - Murát, người tù trưởng
của Samin. Chàng nói:
- Sao các người lại tranh cãi với nhau dưới bóng mát cây ngô đồng? Sáng
sớm mai sẽ diễn ra một trận chiến đấu, và lúc ấy chính lưỡi gươm của các
người sẽ chứng tỏ cái nào là tốt nhất.
Nhưng tuy vậy, tôi nghĩ rằng, Đức Allah vẫn chậm rãi hút thuốc trước khi
bắt đầu câu chuyện kể của mình.
Nhưng tuy vậy, ở vùng núi chúng tôi, vẫn có phong tục là kỵ sĩ không
nhảy lên yên ngựa bên cạnh ngưỡng cửa của mình. Anh ta cần phải dắt
ngựa ra khỏi bản. Cần làm như vậy chắc là để một lần nữa suy nghĩ xem
anh đã để lại đây những gì và những gì sẽ đến với anh trên đường đi. Dù
công việc thúc bách đến đâu, anh vẫn tư lự, chậm rãi cầm dây cương dắt
ngựa qua bản để rồi sau đó, khẽ chạm chân vào bàn đạp, anh nhảy phắt lên
yên, cúi rạp mình xuống và nhòa dần trong đám bụi đường.
Đấy, tôi cũng vậy, trước khi nhảy lên yên cuốn sách của tôi, tôi cũng
chậm chạp bước đi với vẻ đăm chiêu. Tôi cầm dây cương ngựa và đi bên
cạnh nó. Tôi đang nghĩ ngợi. Tôi không vội nói thành lời.
Lời nói lúng búng không phải chỉ trong miệng người có tật nói lắp, mà
còn cả trong miệng người đang cố tìm một lời nào thích hợp nhất, cần thiết
nhất, sâu sắc nhất. Tôi không hy vọng làm ai ngạc nhiên về sự sâu sắc, uyên
thâm, nhưng tôi cũng không phải người nói lắp. Tôi đi tìm lời nói cần thiết.
Abutalíp nói: Lời bạt một cuốn sách chính là cái cọng rơm mà người đàn
bà miền núi mê tín ngậm ở răng khi vá áo choàng ấm cho chồng. Bởi vì nếu
lúc ấy không ngậm một cọng rơm thì tương truyền rằng chiếc áo choàng sẽ
biến thành tấm áo liệm.