Người miền núi thường tỏ ra rất kiên nhẫn khi cãi nhau. Họ nói với nhau
nhiều lời chẳng tốt đẹp gì, mỗi bên đều chịu được và đáp lại những lời cay
độc bằng những lời cay độc. Nhưng điều đó chỉ xảy ra chừng nào những lời
cay độc chỉ động chạm đến chính bản thân những người cãi vã. Thật là tai
họa, nếu một bên vô ý xúc phạm đến danh dự của mẹ hay chị của bên kia,
thì lúc đó dao găm sẽ tham dự vào cuộc.
Đaghextan - Người là mẹ tôi. Hãy để cho ai phải cãi nhau với tôi nhớ đến
điều đó. Có thể lăng mạ tôi đủ điều, tôi đều chịu được. Nhưng đừng động
đến Đaghextan của tôi.
Đaghextan là tình yêu của tôi, là lời thề, lời nguyện cầu, lời khấn khứa
của tôi. Người là đề tài chủ yếu trong mọi cuốn sách của tôi, của cả cuộc
đời tôi.
Đôi khi người ta yêu cầu tôi chỉ kể về ngày hôm qua của Người, về
những phong tục, tập quán cổ xưa, về những truyền thuyết, về bài ca, về
những đám cưới và những lưỡi gươm, về các trận đánh và tình hữu nghị, về
những chiến sĩ gang thép và những phụ nữ thủy chung, về sự cao thượng và
lòng dũng cảm, về máu của các chàng trai và nước mắt các bà mẹ.
Đôi khi người ta yêu cầu tôi chỉ kể về ngày hôm nay của Người. Về
những nông trường quốc doanh và nông trang tập thể, về những đội trưởng
và tổ trưởng sản xuất, về những rạp hát và thư viện, về những chiến công
của Người trong lao động.
Tôi không thể kể riêng rẽ về ngày hôm qua hoặc ngày hôm nay. Với tôi
chỉ có một Đaghextan đã sống qua nghìn năm. Quá khứ, hiện tại, tương lai
của nó với tôi đã nhập hòa làm một. Tôi không thể phân chia nó ra thành
những thời gian khác nhau.
Lịch sử nhiều quốc gia, nhiều đất nước từ lâu đã được viết không chỉ
bằng máu, mà còn bằng mực, bằng bút viết trên giấy. Không chỉ do những
người lính, những tướng soái viết mà còn do các nhà văn, các nhà sử học.
Lưỡi gươm đã viết nên lịch sử của Đaghextan. Và chỉ thế kỷ 20 mới trao
cho Đaghextan thêm ngòi bút.