“Cẩn thận đấy, kẻo lại bị đứt tay!”. Người ta đúc hình cây đàn panđur. Trên
tấm thắt lưng bạc của người con gái, trên đồ trang sức đeo trước ngực bao
giờ cũng in hình cây đàn và con dao, như vẫn thấy trên tường, trên tấm
thảm. Và khi ra trận, người ta mang theo cả dao găm lẫn đàn. Vị trí trang
trọng nhất trong nhà - trên tường, nơi treo tấm thảm - bỗng trơ trọi, trống
trải.
- Anh mang đàn ra trận làm gì?
- Thế này nhé! Chỉ cần chạm tay vào dây đàn, chỉ cần khẽ gảy cây đàn là
ngay lập tức hiện ra trước mắt anh làng quê thân yêu và ngôi nhà của mẹ.
Mà chính là vì tất cả những cái đó mà đi chiến đấu, vì những cái đó mà dám
hy sinh thân mình.
“ Làng quê xích lại gần, khi kiếm kêu loảng xoảng” - trước đây các chàng
dũng sỹ đã từng nói như thế. Nhưng không gì thu ngắn đường về làng quê
bằng tiếng đàn panđur.
Ai, đai, đanla-lai, Đanla-đanla-đunla-lai!
Makhơmút đã hát trên triền núi Karpát và bên cạnh ông là làng quê, là
những dãy núi thân thuộc. Và bên cạnh ông là nàng Mariam của ông, say
này Makhơmút đã nhắn gửi lại đời sau:
Trên mộ tôi đừng đắp đất quá dày
Tai tôi sẽ bị nấm mồ che kín
Trái tim tôi không thể còn nghe tiếng
Những bài hát núi rừng vang xuống tự làng quê
Hãy chôn tôi cùng cây đàn panđur
Để tôi mãi hát ca khiến mọi người không ngủ
Để tiếng hát khi lòng tôi tưởng nhớ
Các cô gái làng xinh đẹp mãi còn nghe…