Tuổi già tước đi của con người nhiều niềm vui cuộc sống. Nó lấy đi sức
lực, giảm độ tinh tường của mắt, độ thính của tai, hạ tấm màn hoàng hôn
trước mắt con người, ngăn cách con người với thế giới. Đôi khi không còn
giữ vững cốc rượu trên tay
Nhưng tôi không sợ tuổi già. Bởi vì tuy nó tước đi rất nhiều ở tôi, nhưng
đã để lại cho tôi bài ca. Tuổi già đã không lấy đi của tôi những bài ca của
Makhơmút, của Batưrai, của Puskin, Hainơ, Blốc, của tất cả các nhà thơ vĩ
đại, kể cả nhà thơ Đaghextan của tôi. Chừng nào Đaghextan còn, mọi
chuyện không đến nỗi đáng buồn.
Còn Đaghextan, chúng tôi sẽ chẳng sống vô nghĩa, sẽ chẳng mất đi đâu.
Ở một làng vùng cao có trò chơi trẻ con có thể gọi tên thế này: “Ai tìm,
người ấy thấy, ai thấy, người ấy lấy”. Có lần tôi đã chơi trò chơi ấy.
Bọn trẻ đưa cậu bé sang một căn buồng khác để cậu ta không nhìn thấy
một cô trong số các cô bé tham dự trò chơi trốn ở đâu. Thêm nữa cậu ta lại
bị bịt mắt. Cậu bé trở sang và bắt đầu tìm. Cả lũ trẻ đồng thanh hát theo:
“Ai, đai, đalalai”. Khi cậu bé tìm không đúng nơi, thì lũ trẻ hát giọng nhỏ
nhẹ, buồn buồn. Khi cậu ta đi đúng hướng thì lũ trẻ hát mạnh lên, vui hơn.
Khi cậu ta tìm được cô bé thì tất cả vỗ tay và bắt hai cô cậu cùng nhảy. Như
vậy đấy, bài ca đã đưa cậu bé với đôi mắt bịt kín tìm đúng đường đi và dẫn
đến đích mong đợi.
Tôi sinh ra trong một gia đình yêu bài ca, trong miền Đaghextan yêu bài
ca, trong đất nước Nga đầy tiếng hát, trong thế giới đầy tiếng hát. Tôi biết
sức mạnh của bài ca, tôi biết giá của bài ca. Nếu Đaghextan không có
những bài ca thì không ai biết đến miền đất ấy như đã biết hôm nay.
Đaghextan sẽ như một chú dê rừng lạc đàn. Nhưng bài ca của chúng tôi đã
đưa chúng tôi theo những con đường núi nhỏ mòn dốc ngược mà ra với thế
giới lớn, đã đem lại cho bao nhiêu bạn bè cho chúng tôi.
“Hãy hát cho tôi một bài, và tôi sẽ nói anh là ai”- Abutalíp nói như vậy,
chuyển từ một câu châm ngôn quen biết. Đaghextan đã hát những bài ca
của mình và thế giới đã hiểu miền đất nước này.