tay có vẻ như đó là con chim sẵn sàng vụt bay khỏi tay. Vốn là người mến
khách, ông bao giờ cũng cảm thấy lúng túng, bối rối, khi có ai đến làm ông
phải ngừng đọc sách, hệt như bắt ông phải cắt ngang lễ cầu nguyện. Vào
những lúc bố tôi đọc sách, mẹ tôi bao giờ cũng đi rón rén, ngón tay lúc nào
cũng đặt lên môi, bắt chúng tôi phải nói thì thào:
- Đừng làm ồn, các con, bố đang làm việc đấy!
Bà đã hiểu rất đúng rằng đối với nhà văn thì đọc sách là làm việc
Bản thân bà thỉnh thoảng đánh bạo lại gần ông xem ông có cần gì không,
xem mực trong bình có còn không. Bà rất để ý theo dõi bình mực của ông
và không bao giờ để nó cạn.
Nếu trong đời bố tôi, cho dù chỉ có hai ngày vui thì đó là nhờ sách đem
lại.
Nếu trong đời bố tôi, cho dù chỉ có hai ngày buồn, thì đó là ngày do sách
gây ra.
Đó là những cuốn sách mà ông đã đọc, và những cuốn sách mà ông đã
viết.
Dù mọi người có yêu cầu ông điều gì, ông không bao giờ từ chối ai được.
Nói “không” khi trên thực tế là “có” ông coi đó là điều dối trá nhất, là tội
lỗi nặng nề nhất. Ông quả là rơi vào tình trạng bất hạnh thật sự khi có ai đó
xin ông cuốn sách mà ông yêu quý. Sách đã đem cho, đã rơi vào tay người
lạ, nhưng đôi tay của bố tôi vẫn còn dang ra về phía ấy. Khi người ta mang
sách đi lâu ngày không trả lại, bố tôi viết thư cho anh ta: “Tôi rất buồn nhớ
bạn của tôi, người bạn mà lần trước anh đã mang đi. Liệu bạn tôi có định
trở về không?”
Bố tôi là con trai duy nhất trong một gia đình có tám người con (người
con duy nhất trong nhà đội mũ). Và tất cả tám chị em ấy đều sớm thành mồ
côi. Bố tôi phải rời làng quê từ lúc còn ít tuổi. Ông bác đỡ đầu mấy đứa
cháu mồ côi đã đưa bố tôi sang làng khác, nói rằng: “Ở làng to thì cũng lắm
trí khôn hơn!”. Từ ngày ấy bố tôi lang thang khắp làng nọ sang làng kia,