gặp bố tôi, yêu cầu ông viết lời cho những bài hát của anh ta. Bố tôi nhận
lời và thế là những bài hát mới ra đời.
Có lần chúng tôi đang ngồi uống nước chè thì trên rađiô nói rằng một ca
sĩ nối tiếng sẽ trình diễn một bài hát theo lời của Gamzát Xađax. Tất cả
chúng tôi đều lắng nghe, cả bố tôi cũng vậy. Nhưng càng nghe chúng tôi
càng kinh ngạc. Ca sĩ hát thế nào mà chúng tôi không sao nghe rõ được lời.
Chỉ nghe rõ những tiếng rống lên, ca sĩ nuốt hết lời như con gà trống mới
đầu thì ăn vội ăn vàng làm tung tóe thóc ra chung quanh, sau đó thì nhặt
từng hạt một.
Khi gặp ca sĩ, bố tôi hỏi anh ta rằng sao anh ta lại xử tệ với lời hát của bố
tôi.
- Tôi cố tình làm thế đấy, - ca sĩ trả lời, - để những người khác không
hiểu gì, không nhớ gì. Nếu các ca sĩ khác nhớ được bài hát, thì họ sẽ hát mà
tôi thì muốn hát bài đó một mình.
Ít lâu sau, bố tôi mời một số bạn bè đến nhà chơi, trong số đó có cả anh
ca sĩ nọ. Cuối buổi gặp gỡ, bố tôi lấy từ trên tường xuống cây đàn kumuz
hỏng dây và gảy tưng tưng vào chiếc dây đàn duy nhất còn lại cũng đã bị
chùng mà nghêu ngao hát một bài do ca sĩ nọ sáng tác phẩn nhạc. Lời bố tôi
hát rất rõ, nhưng điệu nhạc phát ra từ cây đàn hỏng dây kia thì nghe không
còn ra thế nào nữa. Ca sĩ nổi cáu nói rằng bài hát của anh ta không thể biểu
diễn bằng cây đàn hỏng ấy và cây đàn ấy không thể truyền lại được vẻ đẹp
của âm điệu bài hát của anh ta. Bố tôi bình thản đáp:
- Tôi cố tình hát và đánh đàn thế đây, để cho không ai rõ nhạc của anh.
Nếu bài ca không ai rõ lời có thể nghe được thì tại sao bài hát không ai rõ
điệu nhạc lại không nghe được?
Người Đaghextan viết văn làm thơ bằng mười thứ tiếng khác nhau,
nhưng chỉ được xuất bản bằng chín thứ tiếng. Nếu vậy thì những ai viết
bằng tiếng thứ mười làm thế nào? Tiếng đó là tiếng gì?
Viết bằng tiếng thứ mười là những người đã quên mất tiếng mẹ đẻ - dù đó
là tiếng Avar, tiếng Lắc hay tiếng Tát, nhưng cũng chưa kịp biết tiếng khác