thể mang lại lợi ích cho bất cứ ai muốn có một hình ảnh toàn diện về lịch sử phát triển
của Phật giáo.
Tôi hi vọng quyển sách này sẽ cung cấp một cái nhìn tổng thể về lịch sử Phật giáo để
làm cơ sở nghiên cứu xa hơn, dù là về Giáo pháp hay về lịch sử. Tôi tin rằng cuốn
sách này có thể hữu ích cả cho những người muốn tìm hiểu Phật giáo lẫn những tín đồ
Phật giáo, cả hai có lẽ đều đã có một số hiểu biết về Phật giáo rồi, nhưng muốn có một
cái nhìn tổng thể để có thể đi sâu hơn và chuyên môn hơn, hay để làm bối cảnh đối
chiếu các kinh nghiệm của bản thân họ về Giáo pháp.
Tôi xác định tôi đã dành phần lớn cuốn sách này để nói về lịch sử Phật giáo Ấn Độ, và
chỉ trình bày lịch sử này cho tới thế kỷ XIX mà thôi. Việc mô tả lịch sử Phật giáo hiện
đại không phải là mục tiêu tôi đề ra cho mình khi đặt bút viết cuốn sách này, và tôi
mừng vì đã trung thành với sự giới hạn này. Tuy nhiên, tôi hi vọng tác phẩm này có
thể giúp độc giả có một cái nhìn quân bình hơn về sự phát triển của Phật giáo trong
thế giới ngày nay, và có thể đạt được một sự hiểu biết tận ngọn nguồn những hình
thức Phật giáo mà chúng ta sẽ gặp trong cuộc sống của thế giới hiện đại.
Có thể một số Phật tử cảm thấy chướng tai khi nghe nói đến một lịch sử Phật giáo, vì
họ vẫn coi lịch sử này chỉ như là những tia sáng chợt loé lên rồi vụt tắt và chỉ là một
thứ trang sức không cần thiết cho công việc chủ yếu là thành thạo giáo thuyết và thực
hành. Tôi cũng nhìn nhận rằng cốt tuỷ của Phật pháp là phi lịch sử, theo nghĩa nó nói
về những chân lý phổ quát và nhắm vào thân phận phổ quát của con người, nhưng lịch
sử của Giáo pháp cũng tỏ lộ cho chúng ta thấy những cố gắng mà các bậc tiền bối của
chúng ta đã làm để thể hiện giáo lý và thực hành trong đời sống xã hội, và để khắc
phục được cản trở to lớn nhất trong việc đạt mục tiêu ấy - đó là bản tính con người. Là
những Phật tử thời nay, chúng ta sẽ rơi vào nguy hiểm nếu chúng ta bỏ qua những bài
học lịch sử của mình.
ANDREW SKILTON
(Dharmacari Sthiramati)