đồng hồ thời bây giờ, nhưng trông nó nhỏ và mỏng hơn đồng hồ nam rất
nhiều. Lật đằng sau, tôi phát hiện mặt sau của đồng hồ khắc mấy chữ: “Dẫu
ngày sau ra sao, mong anh hãy thương em”.
Mấy chữ này trông không đẹp lắm, có lẽ dùng vật nhọn nào đó khắc lên,
không hiểu đây là một câu danh ngôn mà Hỷ Lạc thích hay là lời thoại
trong một vở ca kịch nào đó.
Đồ của Liên Xô nổi tiếng là bền, chiếc đồng hồ này chắc phải rất đắt,
hơn nữa đó lại là quà tặng giao lưu giữa thành viên hai nước, nên dẫu có
tiền cũng chưa chắc đã mua được.
Tôi thấy hơi kích động, thầm nghĩ có khi nguồn gốc chiếc đồng hồ này
mang một ý nghĩa sâu xa nào đó, thế là tôi đặt nó lên tay và hôn khẽ, trong
lòng như thể có điều gì đã được xác lập, tôi cảm giác cô ấy đang ở ngay bên
cạnh và tôi có thể ngửi thấy mùi hương trên tóc cô ấy bay thoang thoảng
đâu đây.
Tôi biết từ giây phút đó mình đã sa chân vào bể ái tình vạn kiếp không
thể thoát ra. Hồi học cấp ba, tôi từng thầm yêu một nữ sinh, cô ấy là một cô
gái rất trong sáng, ngày thường tôi chẳng bao giờ có cơ hội tiếp cận chuyện
trò, về sau biết cô ấy là con gái của trung đoàn trưởng, từ nhỏ đã được định
hướng đi theo con đường binh nghiệp, nên cuối cùng tôi chẳng dám tỏ tình.
Tôi còn nhớ như in ánh mắt người con gái ấy trao cho mình và cảm giác trái
tim mình đập thổn thức trong lồng ngực ra sao. Có lẽ đó cũng là tình yêu,
nhưng mức độ thì hoàn toàn khác với lần này.
Khi ấy tôi còn rất minh mẫn để suy nghĩ nhiều vấn đề được mất, nhưng
giờ đây, đầu óc tôi chỉ có một ý niệm duy nhất, đó là muốn ôm cô ấy vào
trong lòng, tôi chẳng thể suy nghĩ gì hơn được nữa, tôi hiểu mình đã không
còn đường lui.