Lúc ông chết, vua cho hiệu là Gia Định xử sĩ Sùng đức Võ tiên sinh, đề vào
bia mộ. Ông không có con, nên người con nuôi là Trúc được miễn lao dịch
để coi việc thờ cúng. Gia Long năm thứ 18 (1819), lại cho cháu họ là Đồng
được miễn thuế thân.
Tự Đức năm thứ 5 (1852), sắc sai dựng nhà riêng đề biển treo để biểu
dương (Biển ngạch khắc mấy chữ rằng: Gia Long sơ, tứ hiệu Gia Định xử
sĩ Sùng đức Võ tiên sinh. Nghĩa
là: Đầu niên hiệu Gia Long cho tên hiệu: Gia Định xử sĩ, Sùng đức Võ tiên
sinh).
Đặng Đức Thuật và Lê Đạt
Đặng Đức Thuật tự là Cửu Tư, không biết người xứ sở nào. Lúc trẻ tuổi
Đức Thuật thông minh, học rộng, thơ hay, lại càng trội về sử. Trước kia
tránh "loạn" Tây Sơn, làm nhà ở trong núi An Phước thuộc Bình Thuận, ở
ẩn dạy học. Người học gọi là: "Đặng gia sử phái".
Lại có Lê Đạt cũng không biết quê quán ở đâu. Ông là người mẫn tiệp, giỏi
văn học, nhưng tính nóng nảy, cho nên người ta gọi là "Đạt hỏa" (100). Thế
tổ Cao Hoàng Đế, năm thứ 9 Mậu Thân (1788), lấy lại được Định; Đức
Thuật và Lê Đạt đến yết kiến. Thấy họ là bậc lão thành, túc học, vua đều
yêu và trọng, cho làm Hàn lâm viện Thị giảng Gián nghị.
Về sau, Đạt già chết. Thuật tính ngay thăng, ngang bướng, gặp việc dám
nói. Thấy hình phạt đánh roi nặng quá, xin trừ bỏ đi. Vua không nghe.
Thuật nói lắp, ra nói với mọi người rằng: "Nói không chịu nghe thì gián
gián nghị nghị làm gì!" Bèn bỏ quan mà đi. Vua sai Giám quân Tống Phúc
Đạm đuổi theo, mời về. Sau theo đi đánh giặc, chết ở dọc đường.
Trước kia Thuật ở Gia Định, lũ Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang
Định và Nguyễn Hương nghe tiếng ông thơ hay đều đến tôn làm thầy. Sự
học làm thơ ở Gia Định thịnh lên là bắt đầu từ đấy.
Nguyễn Hương
Người tỉnh Bình Thuận. Buổi đầu trung hưng, làm Hàn lâm thị thư, nổi
tiếng về văn chương, nhưng tính phóng khoáng, ưa nhàn, không thích làm
quan, nên từ chức về nhà, thường ngâm vịnh để ngụ ý. Ông có tập thơ lưu
hành ở đời. Bài thơ Thái dược (Hái thuốc) có câu rằng: "Học đắc trường