ĐẠI NAM LIỆT TRUYỆN - TẬP 1 - Trang 55

Duy Từ khuyên chúa đừng nộp lễ cống và phu thuế cho Trịnh. Chúa lấy
làm khó nghĩ. Duy Từ tâu rằng: "Thần nghe: dẫu có trí tuệ không bằng thừa
thế. Tiên vương ta oai vũ mưu lược không phải không thể chiếm giữ đất
này. Nhưng trước kia tam ty thuộc tướng đều do chúa Trịnh thuyên bổ cắt
đặt, hễ làm một việc gì đều bị họ ngăn trở, cho nên phải ẩn nhẫn đến nay.
Bây giờ chúa thượng chuyên chế một phương, quan liêu đều do mình cắt
đặt, một lời nói ra ai còn dám trái ? Thần xin dâng một kế sách, hàng năm
không phải nộp phu thuế nữa mà vẫn giữ được bờ cõi và có thể thành được
đại nghiệp".
Chúa hỏi kế sách thế nào. Duy Từ tâu rằng: "Nay, dựng nghiệp bá vương,
cốt phải vẹn toàn. Người xưa nói không nhọc một lần thì không được rảnh
lâu, không tốn công một lần thì không được yên mãi. Thần xin lấy quân và
dân hai xứ (Thuận Hóa - Quảng Nam) đắp lũy dài, trên từ núi Trường Dục
dưới đến bãi cát Hạc Hải, nhân thế đất đặt lũy hiểm cho vững việc phòng bị
ngoài biên, quân giặc dẫu đến cũng không làm gì được".
Chúa nghe theo. Năm Canh Ngọ (1630) mùa xuân, điều động cả quân và
dân đắp lũy Trường Dục, hơn một tháng, lũy hoàn thành. Duy Từ xin với
chúa làm mâm đồng hai lần đáy, để sắc vào trong, trên đặt vàng lụa, phẩm
vật rồi sai Tướng thần là Lại Văn Khuông làm sứ đi tạ ân. Duy Từ nghĩ sẵn
hơn 10 câu vấn đáp trao cho Văn Khuông đem đi. Văn Khuông đến Đông
Đô, Trịnh Tráng triệu vào hỏi, Văn Khuông biện bạch, không chịu khuất,
Tráng sm, đãi Văn Khuông rất hậu. Văn Khuông bèn đem mâm đồng đựng
vàng lụa dâng lên, rồi thừa cơ đi ngay.
Bên Trịnh lúc mở đáy mâm đồng ra, thấy có một đạo sắc và một tờ thiếp
rằng "Mâu nhi vô dịch, Mịch phi kiên tích, Ái lạc tâm trường, Lực lại
tương địch" (Mâu mà không nách,
Mịch chẳng thấy vết, Ái rụng mất tim, Sức tới thì đánh). Tráng đem cho
các quan xem, không ai biết nghĩa là gì; duy Thiếu úy Phùng Khắc Khoan
biết, nồi rằng: đây là lối nói ẩn ngữ về 4 chữ "dư bất thụ sắc"(51) … Tráng
giận lắm, sai người đuổi theo thì Văn Khuông đã đi xa rồi. Tráng muốn
phát binh vào đánh, gặp Cao Bằng và Hải Dương có giặc, bèn thôi.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.