Thánh Tổ khi mới nối ngôi, có người nói, hoặc khuyên vua giao việc cho
thần hạ, rồi rũ áo xiêm, ngồi khoanh tay, không cần làm việc gì, để bắt
chước phép trị nước đời xưa. Thánh Tổ đem câu nói ấy bảo quần thần, và
cho là nói không phải lắm. Đức tâu rằng: Đời xưa bảo rằng (không) làm là
không thấy vết tích việc làm mà thôi, cái lẽ ở đời, không khó nhọc sao được
an nhàn, cho nên muốn không làm, thì trước hết phải có làm. Người nói ấy
chỉ dẫn câu có sẵn ở sách cổ mà nói đấy thôi.
Năm thứ 2, sửa nguyên miếu ở Thanh Hoa.
Vua xuống dụ bàn truy gia hiệu của Trừng Quốc công. Đức bàn cho là lễ thì
chẳng đời nào được đủ, như nhà Chu, Chu công giúp nên đức tốt của Văn
vương, Vũ vương, truy phong Vương thái vương, Vương quý, trên thờ tiên
công theo lễ Thiên tử, từ tổ Cam trở lên đến Hậu Tắc, chỉ gọi là tiên công
mà thôi, chưa từng phải gia tôn, Thế Tổ Cao Hoàng đế ta thống nhất nước
Nam, truy tôn Triệu Tổ, Thái Tổ là cho nên các nhà vua nhân chỗ nền cũ ấy
ở quý hương tôn dựng nguyên miếu, chính miếu để thờ Triệu Tổ, Thái Tổ;
miếu bên tả thờ Trừng Quốc công, Lý Nhân công thờ phụ vào mà chưa
từng truy gia thụy hiệu, so với lễ của nhà Chu thờ tiên công nhà Chu, cùng
một lối cả, xin vẫn theo hiệu cũ mà phụng thờ. Vua theo lời. Đức mỗi khi
nhân việc, dâng lòng trung, Thánh Tổ phần nhiều khen nhận. Mùa hạ năm
ấy, Đức sung làm Phó tổng đài ở Sứ quán; rồi được thăng Thự hiệp biện đại
học sĩ, lĩnh Thượng thư bộ Lại, kiêm lĩnh Thượng thư bộ Binh. Trước đấy ở
ban quan văn, chưa có người nào được trao cho nhất phẩm, Thánh Tổ muốn
trao cho Đức, mới hỏi các quan đại thần, bọn Nguyễn Văn Nhân, Nguyễn
Đức Xuyên đều thưa rằng nên, Đức biết tin dâng biểu từ chối, vua dụ rằng:
Hiện nay ban văn không có ai hơn ngươi, nên cố gắng làm hết chức vụ, để
giúp trẫm những điều chưa biết tới, ngươi chớ nên từ. Đức mới nhận chức,
châm chước, xếp đặt rành mạch, đều thích hợp với việc đời lúc bấy giờ.
Mùa đông năm ấy, theo vua đi Bắc tuần. Đến lúc về, đem 2 bộ "Lịch triều
kỷ nguyên" và "Khang thế lục" viết ra dâng vua.