doanh kiêm chưởng sử sự. Rồi ông đi chiêu dụ nước Chân Lạp, bị bệnh
chết ở thành Nam Vang. Năm Kỷ Dậu, Chưởng cơ Hồ Văn Lân đưa hài cốt
về táng ở Gia Định.
Năm Gia Long thứ 3, tặng là Suy trung trực vận công thần, đặc tiến khai
phủ, Phụ quốc thượng tướng quân, Thượng trụ quốc thái bảo, Quốc công,
tên thụy là Trung Ý, đưa về táng ở Long Hồ. Thế Tổ thân đến đưa đám, sai
sở tại đắp phần mộ, lập đền thờ ở Phú Xuân, gọi là đền Tống Công, cấp tự
điền và phu coi mộ, lại liệt vào thờ ở đền Hiển Trung ở Gia Định và miếu
Trung Hưng công thần. Gia tặng Lê Thị làm Quốc phu nhân, lại lập đền thờ
Lê Thị ở An Quán (thuộc Quảng Nam).
Năm Minh Mạng thứ 13, đổi tặng là Đặc tiến Tráng vũ đại tướng quân,
Tiền quân đô thống phủ chưởng phủ sự, Thái bảo, đổi tên thụy là Cung
Mẫn, phong là Quy quốc công, lại di đền thờ đến Kim Long, đổi tên đền
gọi là đền Quy quốc công. Gia tặng Lê Thị là Quy quốc nhất phẩm phu
nhân.
Họ Tống, khi ban đầu dựng nước là họ có danh vọng, đời đời làm quan
sang; tới đến ông là Trung hưng dực đới công thần, thanh danh phúc lộc ở
nhà, cùng với nước cùng vui, không những là có tiếng thích lý, cũng rực rỡ
về công nghiệp nữa.
Con là Phúc Lương từng làm quan đến Chưởng phủ, phong là hầu, có
truyện chép riêng.
Trần Hưng Đạt, có tên là Thân. Tiên tổ là Trần Phúc Tư, người ở Thanh
Hóa, theo Thái Tổ Gia Dụ Hoàng đế vào Thuận Hóa, nhập tịch ở huyện
Hương Trà, phủ Thừa Thiên. Từ đây đời đời sinh ra người đạo nho, người
làm thầy thuốc, đạo sĩ, cũng có người làm quan, nhưng chưa được hiển đạt
lắm. Đến cha là Quế, làm quan ở triều Túc tôn (Hiếu Ninh hoàng đế) làm
chức tri phủ, theo đi đánh Chân Lạp có công, nhiều lần được thăng đến