lấy lại được Sài gòn, sai người báo tin thắng trận mà tự đem quân đi đón
vua. Vua được tin báo cả mừng bèn trở về đến sông Tứ Kỳ, Tiếp lạy rạp
xuống bên tả đường khóc nói rằng: Không ngờ ngày nay lại được thấy chúa
thượng, đó là phúc của xã tắc vậy. Vua vỗ về hồi lâu, rồi vua về Sài gòn
cho Tiếp làm Ngoại tả chưởng doanh.
Mùa đông năm ấy, người do thám báo rằng: giặc Tây Sơn mưu vào cướp,
vua sai các tướng dự sửa đồ để đánh, dàn bày hơn 100 chiếc thuyền chiến ở
giữa sông Ngưu Chử, sai Tiếp cùng bọn Tôn Thất Cốc, Vũ Di Nguy trông
coi để chống giặc. Năm Quý Mão mùa xuân, Nguyễn Văn Huệ vào cướp.
Tiếp dùng kế hỏa công, vì gió tập trở lại nên không có lợi, bèn lui chạy.
Vua chạy đi Tam Phụ. Tiếp bèn theo đường núi Cao Miên chạy sang Xiêm
cầu viện trợ. Vua Xiêm muốn viện trợ nhưng ý chưa quyết, bảo Tiếp dọ
đường núi về mà sai tướng là Thát Sĩ đem nhiều thuyền quân đón vua vào
nước. Tiếp làm tờ mật biểu sai người theo quân Xiêm về. Vua nhận được tờ
biểu mừng lắm; bèn hội với tướng nước Xiêm rồi sang Xiêm. Nước Xiêm
cũng sai người mời Tiếp sang, vua cùng vua Xiêm cùng ra mắt nhau, nói
chuyện chưa xong thì Tiếp khóc mãi không thôi. Vua nước Xiêm vì thế
cảm động, bảo các quan rằng: Chiêu Nam Các (tức Thiên vương) có bề tôi
như thế, ý trời có thể biết được. Bèn ước hẹn giúp quân.
Năm Giáp Thìn mùa hạ, vua từ nước Xiêm trở về nước, vua Xiêm sai cháu
họ là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 20.000 quân, 300 chiếc thuyền sang
giúp.
Vua cho Tiếp làm Bình Tây Đại đô đốc, điều bát các quân. Mùa thu năm
ấy, tiến quân đến Trấn giang, Tiếp đem quân thủy cùng giặc đánh nhau ở
sông Mân Thiết, Tiếp nhảy sang thuyền giặc, bị giặc đâm trúng. Vua vẫy
quân đánh nhau, chém được tên Chưởng tiền bảo của giặc, giặc chạy về
Long Hồ, Tiếp bị thương nặng, o lên rằng: "Trời chưa muốn bình giặc Tây
Sơn ư", rồi chết.