nội dung của tập Kathàvatthu, thuộc phái Thượng tọa bộ, chúng ta thấy rõ
rằng sự phát triển văn học Abhidhamma không những để kiện toàn quan
điểm riêng biệt của mình, mà cũng để công kích quan điểm của đối phương
và thành lập quan điểm của mình đối với chúng. Do vậy, chúng ta có thể
nói rằng giai đoạn này không những chứng kiến sự xuất hiện của nhiều
tông phái mới mà cả sự phát triển mới mẻ của những tông phái cũ (9).
Sự xuất hiện của tập Jàtaka (Bổn sanh) và Avadàna (Thí dụ).
Ngoài sự cố gắng của tân, cựu tông phái cạnh tranh nhau trong địa hạt văn
học, chúng ta cũng chứng kiến một sự tranh chấp sắc bén để truyền bá giáo
lý từng tông phái trong quần chúng và chính nhờ sự tranh chấp này, đạo
Phật được truyền bá rất rộng rãi trong dân chúng. Chúng ta thấy rõ rằng các
tập Jàtaka và Avadàna có dụng ý xây dựng và phát huy lòng tin của quần
chúng đối với đạo Phật và nhờ vậy quần chúng hóa tông giáo của mình
(10). Các tập Jàtaka là một hậu ý của Thượng tọa bộ, ban đầu không thuộc
Tam Tạng của phái này (Buddhavacana). Tập Jàtaka hay tổng số các
chuyện tiền thân mà một số mẩu chuyện được chạm khắc vào các thạch tích
danh tiếng ở Ấn Ðộ, nhất định thuộc loại cựu trào như các học giả Rhys
Davids, Cunningham, Oldenbergn, và winternitz đã chứng minh, nhưng
không phải tất cả các mẩu chuyện Jàtaka đều đồng thời với các tập
Nikàyas. Theo Rhys Davids, các mẩu chuyện Jataka được tìm thấy cả trong
các tập Nikàya (Suttanta- Jàtaka của tập Cullaniddesa) và trong tập Jàtaka
thuộc loại chuyện tiền thân cổ kính nhất. Ý kiến này được xem là rất có giá
trị.
Jàtaka được ghi vào trong chín bộ kinh (Navànga), một phân loại rất xưa về
kinh điển đạo Phật. Sự phân loại này có thể khiến ta nghĩ rằng các Phật tử
thời xưa không phải không có một văn học Jàtaka riêng biệt. Sự thật không
phải vậy, chúng ta cần phải nhớ rằng sự phân loại kinh điển thành 9 bộ kinh
không phải nói đến 9 loại văn học riêng mà chỉ là sự phân loại chín loại
hành văn riêng được tìm thấy trong kinh điển của các Phật tử cựu trào.