tương đương, các vị ấy sẽ thấy có nhiều đoạn văn A Hàm Trung Hoa lại
nguyên thủy hơn các đoạn văn Pàli.
Thái độ của một số Phật tử Ðại thừa ngược lại xem những gì Tiểu thừa là
thiển cận, nhỏ hẹp, không đáng học hỏi cũng là một thái độ nguy hiểm,
nông nổi, nếu không phải là ngây thơ, phản trí thức. Nguy hiểm vì tự nhiên
phủ nhận ba tạng Pàli, bốn bộ A Hàm và các luật tạng, những tinh hoa tốt
đẹp nhất và nguyên thủy nhất của lời Phật dạy. Và làm vậy chúng ta mắc
mưu các nhà Bà-la-môn giáo đã khôn khéo loại bỏ ra ngoài Phật giáo
những tinh ba của lời Phật dạy, bằng cách gán cho danh từ "Tiểu thừa".
Nông nổi và ngây thơ, vì thật sự danh từ Tiểu thừa và Ðại thừa không được
tìm trong ba tạng Pàli và bốn bộ A Hàm và chỉ là những danh từ được tạo
ra về sau. Hơn nữa, tìm hiểu quá trình lịch sử tư tưởng Phật giáo, chúng ta
chỉ có thể hiểu được tư tưởng Ðại thừa sau khi chúng ta tìm hiểu được tư
tưởng nguyên thủy. Loại bỏ tư tưởng nguyên thủy để tìm hiểu tư tưởng Ðại
thừa cũng như thả mồi bắt bóng, và bắt bóng ở đây là bắt bóng tà ma ngoại
đạo, mới thật sự nguy hiểm hơn. Các nhà gọi là Ðại thừa cần phải xác nhận
một sự thật lịch sử, là các nước Tiểu thừa chống giữ sự xâm nhập của ngoại
đạo tà giáo kiên trì và hữu hiệu hơn các nước Ðại thừa. Lý do chính là tư
tưởng Ðại thừa và tà giáo ngoại đạo nhiều khi cách xa chỉ có gang tấc, và
nhiều nhà tự cho là Ðại thừa lại sẵn sàng bước qua biên giới ấy.
Ngày nay, với sự tiến triển của khoa Phật học và ngôn ngữ học, các sinh
viên Phật khoa cũng như những ai muốn thật sự tìm hiểu thế nào là nguyên
thủy Phật giáo, cần phải có một căn bản Phật học toàn diện các học phái, kể
cả Nguyên thủy, Tiểu thừa và Ðại thừa, cũng như cần phải hiểu biết các cổ
ngữ Sanskrit, Pàli, Tây Tạng ngữ, Hán ngữ, nếu không muốn nói đến các
sinh ngữ Anh, Pháp, Ðức, Nhật, v.v...
Cho dịch tập sách này, tôi chỉ mong các sinh viên Phật khoa Ðại học Vạn
Hạnh cũng như những nhà học giả đạo Phật ý thức được sự quan trọng của
một cái nhìn toàn diện lịch sử tư tưởng Phật giáo, một thái độ nghiên cứu