Cuối cùng, vị chuyên gia cũng có thể xác nhận rằng đây chắc chắn là tác
phẩm thất truyền vẫn được nhắc đến trong các văn bản cổ của Trung Quốc
mà ông đã dành phần lớn thời gian theo đuổi nghiên cứu trong suốt sự
nghiệp của mình.
Cung điện thập bát hoàn là nơi nghỉ dưỡng xa hoa của hoàng đế có từ thế
kỷ thứ VIII, tọa lạc ở vùng núi phía bắc Tây An ngày nay. Nơi đây được
cho là một trong những dinh thự hoàng gia tráng lệ nhất từng được xây
dựng, với diện tích rộng lớn tới mức người ta phải di chuyển bằng ngựa
giữa các toà nhà. Trên những cuộn lụa cổ xưa này khắc hoạ những sảnh
đường, sân trong và những khu vườn quanh co uốn lượn qua những núi non
xanh biếc đầy mộng tưởng được tô vẽ bằng thứ màu ánh kim lóng lánh vẫn
được bảo toàn gần như nguyên vẹn.
Các nhân viên của nhà bán đấu giá đứng đó, chiêm ngưỡng kiệt tác tinh tế
không thốt nên lời. Phát hiện tầm cỡ này thật chả khác nào việc khám phá
ra một bức vẽ thất truyền trong suốt thời gian dài của Da Vinci hay
Vermeer. Khi Giám đốc Toàn cầu của Mảng Nghệ thuật châu Á vội vã đến
gặp họ, ông ta đã cảm thấy choáng váng đến mức phải vội vàng lùi lại vài
bước vì sợ rằng sẽ ngã quỵ trước kiệt tác tinh tế này. Choking (tên của vị
giám đốc) cố kìm nén những giọt nước mắt, nói, “Gọi ngay cho François ở
Hong Kong. Bảo anh ta sắp xếp cho Oliver T’sien bay gấp tới London ngay
trên chuyến bay tiếp theo”.
Vị giám đốc sau đó tuyên bố “Chúng ta cần phải thực hiện một chuyến lưu
diễn hoành tráng để trưng bày những tuyệt phẩm này. Chúng ta sẽ mở màn
bằng một cuộc triển lãm ở Geneva, tiếp đến là London, sau đó là tại phòng
trưng bày Rockefeller ở New York, để cho các nhà sưu tập hàng đầu thế
giới có cơ hội được chiêm ngưỡng nó. Rồi chúng ta sẽ mang nó tới Hong
Kong, và bán nó ngay trước thềm Tết Nguyên đán. Hẳn là những người
Trung Quốc sẽ tức tới sùi bọt mép.”