thói đàn bà xót con hay sao?". Liền sai hơn mười tay nỏ nhắm Liễn mà bắn.
Hai vương kinh sợ: "Ta treo con nó lên là muốn để nó đoái tiếc con mà ra
hàng cho chóng. Nó tàn nhẫn như thế, còn treo con nó làm gì". Bèn không
giết Liễn mà đem quân về.
Bấy giờ Thiên Sách Vương chuyên quyền làm uy, [Nam Tấn] Vương
không được dự chính sự nữa. Hai vương do đó hiềm khích với nhau.
Giáp Dần, năm thứ 4 [954], (Chu Thế Tông Sài Vinh, Hiển Đức năm thứ 1)
Thiên Sách Vương mất. Vua [Nam Tấn Vương] lại giữ ngôi. Sai sứ sang
thỉnh mệnh vua Nam Hán là Lưu Xưởng
232
. Xưởng cho vua làm Tỉnh Hải
quân tiết độ sứ kiêm Đô [24b] hộ.
Canh Thân, năm thứ 10 [960], (Chu Cung Đế Tông Huấn
233
, năm thứ nhất;
Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận, Kiến Long năm thứ 1). Năm ấy nhà Chu
mất.
Ất Sửu, năm thứ 15 [965], (Tống Càn Đức năm thứ 3). Vua đem quân đi
đánh hai thôn Đường và Nguyễn ở Thái Bình, mới vào đến cõi, đỗ thuyền
lên bộ đánh, bị phục binh tay nỏ bắn trúng chết. Đinh Liễn trở về Hoa Lư.
Lê Văn Hưu nói: Nam Tấn Vương nhà Ngô trước bị gia thần là Tam Kha
giam giữ, sau bị anh là Xương Ngập áp chế, một sớm đắc chí, không biết
cẩn thận giữ mình, cho nên hưởng nước ngắn ngủi, không có chính tích gì,
đáng tiếc thay ! Nhưng, cứ xem việc tha tội cho Bình Vương, há không
phải là nhân ư ? Chịu nhịn cho Xương Ngập kiêu xấc, há không phải là
cung ư ? Đã nhân lại cung, cũng có thể thấy vương là người ra sao rồi .
[25a]
Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Nam Tấn Vương nhà Ngô lấy nghĩa trừ kẻ
bạo tàn, khôi phục cơ nghiệp cũ, đủ thỏa được vong linh của tổ tông, hả
lòng căm giận của thần và người. Về chính trị, đang có đổi mới. Thế mà vì
lòng nhân, thương người kiểu đàn bà trẻ con mà không trị tội Tam Kha
cướp ngôi; tham việc can qua, vì hành động đánh dẹp càn rỡ ở hai thôn
Đường, Nguyễn, rốt cuộc lại tự giết mình. Đáng tiếc thay !
Ngô Sứ Quân
(Phụ: Các Sứ Quân)
Tất cả 2 năm [966-967].