[19b] Giáp Đản Nãi
426
ở châu Ái làm phản. Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 1,
vua thân đi đánh giáp Đản Nãi, cho Đông cung thái tử ở lại Kinh sư làm
Giám quốc. Khi đánh được giáp Đản Nãi rồi, sai Trung sứ đốc suất người
Đản Nãi đào kênh Đản Nãi. Vua từ Đản Nãi trở về Kinh sư.
Có dấu người thần hiện ở chùa Thắng Nghiêm. Tháng 6, rồng hiện lên ở
nền điện Càn Nguyên. Vua nói với tả hữu rằng: "Trẫm phá điện ấy, sang
phẳng nền rồi mà rồng thần còn hiện. Có lẽ đó là đất tốt, đức lớn hưng
thịnh, ở chỗ chính giữa trời đất chăng?" Bèn sai Hữu ty mở rộng quy mô,
nhắm lại phương hướng mà làm lại, đổi tên là điện Thiên An. Bên tả dựng
điện Tuyên Đức, bên hữu dựng điện Diên Phúc, thềm trước điện gọi là
Long Trì (thềm rồng). Phía đông thềm rồng đặt điện Văn Minh, phía tây đặt
điện Quang Vũ, hai bên tả hữu thềm rồng đặt lầu chuông đối nhau để dân
chúng ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên. Bốn xung quanh
thềm rồng đều có hành lang để [20a] tụ họp các quan và sáu quân túc vệ.
Phía trước làm điện Phụng Thiên
427
, trên điện dựng lầu Chính Dương làm
nơi trông coi tính toán giờ khắc, phía sau làm điện Trường Xuân, trên điện
dựng gác Long Đồ làm nơi nghỉ ngơi du ngoạn. Bên ngoài đắp một lần
thành bao quanh gọi là Long Thành.
Mùa thu, tháng 8, châu Hoan dâng kỳ lân.
Mùa đông, tháng 10, ngày mồng 1, trời mưa gạo trắng thành đống trước
bậc thềm chùa Vạn Tuế.
Năm ấy, sứ nhà Tống là Chương Dĩnh sang làm lễ điếu tang. Lại sai sứ
sang phong vua làm Quận Vương.
Canh Ngọ, [Thiên Thành] năm thứ 3, [1030] , (Tống Thiên Thánh năm thứ
8). Mùa xuân, tháng 2, làm điện Thiên Khánh ở trước điện Trường Xuân để
làm chỗ nghe chính sự. Điện làm kiểu bát giác, trước sau đều bắc cầu
Phượng Hoàng.
Mùa hạ, tháng 4, sai Đại liêu ban
428
Lê Ốc Thuyên và Viên ngoại lang
Nguyễn Viết Thân sang nhà Tống [20b] để đáp lễ.
Định kiểu mũ áo của các công hầu văn võ.
Mùa đông, tháng 10, được mùa to. Ngày 14, vua thân ra ruộng ở Điểu