Đinh Mão, [Thiên Đức] năm thứ 4 [547], (Lương Thái Thanh năm thứ 1).
Mùa xuân, tháng giêng, ngày mồng 1, nhật thực. Triệu Quang Phục cầm cự
với Trần Bá Tiên, chưa phân thắng bại. Nhưng quân của Bá Tiên rất đông,
Quang Phục liệu thế không chống nổi bèn lui về giữ đầm Dạ Trạch
148
.
Đầm này ở huyện Chu Diên, chu vi không biết bao nhiêu dặm, cỏ cây um
tùm, bụi rậm che kín, ở giữa có nền đất cao có thể ở được, bốn mặt bùn lầy,
người ngựa khó đi, chỉ có thể dùng thuyền độc mộc nhỏ chống sào đi lướt
trên cỏ nước mới có thể đến được. Nhưng nếu không quen biết đường lối
thì lạc không biết là đâu, lỡ rơi xuống nước liền bị rắn độc cắn chết. Quang
Phục thuộc rõ đường đi lối lại, đem hơn 2 vạn người vào đóng ở nền đất
trong đầm, ban ngày [17b] tuyệt không để khói lửa và dấu người, ban đêm
dùng thuyền độc mộc đem quân ra đánh doanh trại của quân Bá Tiên, giết
và bắt sống rất nhiều, lấy được lương thực để làm kế cầm cự lâu dài. Bá
Tiên theo hút mà đánh, nhưng không đánh được. Người trong nước gọi là
Dạ Trạch Vương. (Tục truyền thời Hùng Vương, con gái Hùng Vương là
Tiên Dung Mỵ Nương
149
ra chơi cửa biển. Thuyền về đến bãi ở hương Chử
Gia, Tiên Dung lên trên bãi, gặp Chử Đồng Tử trần truồng núp trong bụi
lau, tự cho là Nguyệt lão xe duyên, bèn cùng nhau làm vợ chồng, sợ tội
phải ở lánh trên bờ sông, chỗ ấy trở thành nơi đô hội. Hùng Vương đem
quân đến đánh. Đồng Tử và Tiên Dung sợ hãi đợi tội. Bỗng nửa đêm mưa
gió dữ dội làm rung chuyển nơi ở, rường cột tự bốc lên, người và gà chó
trong một lúc cùng bay lên trời, chỉ còn lại cái nền không ở giữa đầm.
Người bấy giờ gọi bãi ấy là bãi Tự Nhiên, đầm ấy là đầm Nhất Dạ, nay vẫn
còn tên gọi cũ).
Trở lên là Tiền Lý Nam Đế, từ năm Tân Dậu đến năm Đinh Mão, tất cả 7
năm (541- 547).
Kỷ Triệu Việt Vương
(Xét sử cũ không chép Triệu Việt Vương và Đào Lang Vương, nay nhặt
trong dã sử và các sách khác, bắt đầu chép vị hiệu của vương và phụ chép
Đào Lang Vương để bổ sung).
[18a]
Triệu Việt Vương