nhân cách rất yêu vẻ đẹp của kẻ quân tử ăn không cần no, ngủ chẳng cần
yên, chưa bao giờ sống dư dật hoặc buông mình vào hưởng thụ mà bảo là...
khó bỏ. Thuốc lá, không một hơi từ thuở vị thành niên. Quá nhạảm nên lánh
xa cà phê vì sợ mất ngủ. Rượu, mới chỉ nhắp ướt môi đã đỏ hồng khuôn
mặt. Quà bánh đã đành là không. Phở, thưởng thức một cách tỉ mỉ. bằng
toàn bộ giác quan, chủ yếu qua tuỳ bút Phở của nhà văn họ Nguyễn. Đến lót
dạ ít lâu nay cũng bỏ và đã quen dạ.,thật mừng(!) Ngày cũng chỉ mong đủ
hai bữa cơm, mỗi bữa ba lưng bát với rau dưa thôi. Quần áo trừ một bộ
cánh lên lớp, quà ủy lạo của Ủy ban Nhân dân Quận nhân ngày 20 tháng 11,
nhằm mục đích giữ gìn thể diện cho nhà giáo và thanh danh chế độ trước
thế hệ trẻ, chục năm nay vẫn là mấy bộ Tô Châu mang từ bộ đội về đã cũ
mèm và bạc phếch. Tháng cắt tóc hai lần là cái sự không thể đừng, vì chưng
ông giáo không thể đầu bù tóc rối trước những kẻ còn như tò giấy trắng!
Thế thôi. Tiêu thụ một năng lượng minimum mà sản ra một hiệu ích
maximum, là cái phương châm sống từ hồi còn vị thành niên của Tự, tín đồ
tự nguyện vô tình của đạo phái dưỡng sinh, hay Yôga?
Sống, không nên để phiền cho người khác. Gánh nặng trên vai Xuyến đã
quá sức tải của Xuyến rồi. Xuyến đã phải một lúc thủ hai vai: cô thủ thư ở
Thư viện quận và cô bán thuốc lá ở vỉa hè, rồi cuối cùng bỏ hẳn công việc
nhà nước, lao vào cuộc buôn bán trao tay, chỉ trỏ môi giới, lấy lãi lời, sinh
lợi làm mục tiêu tối thượng. Tự đã gay gắt với Xuyến về việc Xuyến bỏ
việc ở thư viện. Xưa nay, chưa bao giờ Xuyến ở trong vòng ảnh hưởng của
anh, giờ đây, Xuyến càng ra mặt phân liệt chính kiến. “Không về thì lấy gì
mà đổ vào mồm. Rõ chết đến đít mà còn sĩ. Thanh với chả bạch. Ông thích
ôm lấy cái nghèo đói thì cứ việc”. Để đói quá thì cừu non cũng hóa thành
chó sói. Có sự thật đó trong sự phát triển của Xuyến. Xuyến thuộc một tầng
lớp dân chúng phổ thông, ít suy tư rắc rối, vụ lợi một cách giản đơn, thảng
hoặc có học hành thì chỉ tiếp thu nổi khía cạnh thực dụng của các lý thuyết
mà thôi.