Ngẫm nghĩ về chỗ mạnh và chỗ yếu của cuốn sách, tôi băn khoăn,
không hiểu vài ba chục năm sau, tác phẩm của anh Kháng có còn được
người đọc tiếp nhận nồng nhiệt như bây giờ không. Thú thật, tôi e rằng thế
nào cũng có phần hạn chế. Mong muốn của tôi là làm sao có được những
tác phẩm văn học dẫu viết về những vấn đề của thời đại chúng ta, mà mãi
nó vẫn được các thế hệ bạn đọc yêu mến.
Tôi không đồng ý với ý kiến của anh Bội. Nhược điểm của cuốn sách:
chủ yếu là ở chỗ tôi vừa nói chứ không phải vì không gian chật hẹp. Hẹp
thế chứ hẹp nữa thì vẫn không hề ảnh hưởng gì tới sự sâu sắc, ý nghĩa bao
quát của vấn đề được miêu tả. Trái lại, đúng như lời anh Lê Lựu vừa nói,
thường khi một sự việc, một chi tiết cực nhỏ nếu được chọn lọc và đặt đúng
chỗ lại có sức mang được ý nghĩa cực lớn. Trong văn học đông tây kim cổ
xưa nay chẳng đã có biết bao nhiêu tác phẩm chứng tỏ điều này đấy thôi!
Từ Sơn:
Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến biểu dương mặt mạnh cuốn tiểu thuyết
của các anh chị.
Trong tiểu thuyết này, tôi băn khoăn nhiều về nhân vật Tự. Đó là một
nhân vật “thánh thiện”. Nhưng, cái “thánh thiện” này theo cách kiến giải
của tác giả thì hình như lại có vẻ bắt nguồn từ cách ứng xử với đời của các
bậc túc nho thuở xưa. Gần đây trong một số tác phẩm khác, cũng xuất hiên
một kiểu nhân vật thánh thiện na ná như Tự trong Đám cưới không có giấy
giá thú. Càng ngẫm nghĩ về nhân vật này, càng thấy sự lúng túng của tác
giả. Giờ đây, không thể xây dựng mẫu người lý tưởng khô cứng như cách
đây mấy năm về trước nữa, mà phải tạo ra những nhân vật đẹp một cách
khác, lý tưởng hơn mà cũng đời hơn. Tuy nhiên, loại nhân vật này nương
theo triết lý nào để sống, để hành động vậy. Chưa rõ. Chính vì chưa xác
định, chưa lý giải được điều này mà loại nhân vật như Tự chưa có được sức
mạnh mà tác giả và người đọc mong muốn.