- Thôi! Đã bảo là thôi mà. Rào đón gì mà khiếp thế!
- Thế này, Kha ạ - Tự cười nhè nhẹ, khiêm nhường - Nghĩa là mình rất
nghi ngờ ý kiến của các học giả từ xưa đến nay cho rằng: Nguyễn Du buồn
vô vọng khi ông viết: bất tri tam bách dư niên hậu... Nguyễn tiên sinh đâu
có buồn! Trái lại, ở đây là một tâm trạng sảng khoái và một nụ cười hóm
hỉnh, tự lại.
- Ừ... ừ... Có thể... Có thể...
Kha gật đầu, vòng hai tay ôm hai đầu gối thúc trong ống quần si xanh
vừa co lên. Tự hào hứng, vung tay, cao giọng.
Ấy là lúc Tự đẹp nhất. Giọng Tự tròn âm vang, đầm ấm. Mặt Tự lấm
tấm đỏ, như dị ứng trong cái nhìn cảm phục của Kha. Được biểu hiện mình
là lúc Tự đẹp cả hình lẫn sắc và thanh. Ấy là lúc Tự phát tiết anh hoa. Và
Kha thực tình rất phục Tự. Tự được cả phần tâm lẫn phần tài. Tự là khối
kiến thức quảng bác, là sự bất ngờ của những khám phá mới mẻ. Tự, cái
anh chàng giáo viên dạy ở trường trung học, nghèo khổ có lẽ còn hơn cả cái
anh giáo Thứ trong Sống mòn của Nam Cao, dưới một hình vẻ đơn sơ, mờ
nhạt, thực tình lại rất dồi dào và sắc sảo cơ đấy. Chao ôi! Vào cái thời buổi
gạo châu củi quế, người người đang lao đầu quyết tử vào cuộc giành giật
danh lợi hỗn mang. Ở cái gác xép chật chội đang bắt đầu ngôn ngốt vì cái
nắng trưa hè này mà lại còn cao đàm khoát luận về cái sâu xa, thâm thúy
của văn chương, mà lại còn say sưa, mầy mò tìm kiếm cái gọi là ngữ pháp
nghệ thuật, lặn lội trong các ẩn dụ, nghịch lý, nát óc ngẫm nghĩ để giải mã
cái bí ẩn của câu thơ, lời văn... thì hẳn phải là một kẻ đam mê cao cả và có
bản lĩnh mạnh mẽ vô cùng. Bây giờ, hay bao giờ chẳng thế, thiên hạ đang
đầu tắt mặt tối lo cái ăn cái mặc, đang đua chen làm giàu, đang tìm cách lấn
át anh hàng xóm, người đồng nghiệp? Bây giờ... mô tả cái toàn cảnh cuộc
sống như thế, liệu có cực đoan? Nhưng, rõ ràng đã có một thời: cái sùng bái
không phải là đời sống vật chất. Và con người sống với nhau lấy nhường
nhịn hoà thuận làm phương châm xử thế hàng đầu, chứ không động một tí