Lệch tay không tiền thì tài. Lệch chân không hờn cũng tủi. Thiệt thòi
của nó về thể xác và linh hồn trở thành mối hận mà nó trút ra cho đời, khiến
nó càng bất chấp và liều lĩnh. Nó trúng liên tiếp mấy phi vụ. Rồi tiếp đó,
giầu phất lên. Hóa ra, anh chị nó, sau khi định cư ở nước ngoài, chạnh
thương cô em gái tàn tật, bắt đầu gửi hàng và đôla về cho nó. Lại một lần
nữa, Cái Chấm phẩy biến hóa.
Trong cái áo nilông xanh lục, hai túi bị hai bầu vú dội lên, lại nhồi thêm
mỗi bên một cuộn giấy bạc đỏ, trông cô Trình khoèo lúc này càng nháo
nhâng, ngạo ngược. Trên mặt Tự, cái vầng đỏ từ mang tai đã lan xuống tận
cái cổ gầy của anh rồi. Cái sân chung sắp đến giờ tan tầm, sắp đông người
qua lại. Anh chỉ mong cái việc mua bán chiếc lốp càng lúc càng trở thành
cực hình với anh chấm dứt nhanh cho rồi. Còn nó thì lại muốn kéo dài và
làm ồn ĩ lên cho mọi người biết. Nó định làm bẽ mặt cả anh và Xuyến, để
thỏa mãn thói cậy giàu lên mặt của nó. Nó định kéo dài để dìm giá, để bắt
ép Tự bớt đi vài giá. Vì nó biết thóp Tự là kẻ tự trọng hay sợ mất thề diện
ông thầy và đang hồi túng quẫn.
- Thôi thế thì tuỳ cô, cô trả bao nhiêu cũng được, cô Trình ạ.
Cuối cùng thì Tự đầu hang, chịu thua. Gầm mặt xuống đất, anh vừa bực
vừa ngượng, nhưng lại tự an ủi mình. Thôi thì cho nó xong đi. Chịu thiệt đi
một tí có phải là điều lạ lùng với Tự đâu. Xưa nay, có lúc nào Tự chả chịu
thua thiệt? Nhưng, sự đời luôn oái oăm là vậy. Sắp sửa thực hiện cái thao
tác cuối cùng là trả tiền cho Tự theo giá tự đặt, cô Trình bỗng giật phắc
chiếc lốp từ tay Tự, quàng vào vai và quay phắc về phía sau, quang quác
như một mụ gà nhác thấy bóng diều hâu:
- Này, này, đừng có sờ vào mà gẫy tay!
- Không chịu giá tám chục thì để tôi lấy. Lộc tận hưởng đến kiệt cùng là
không được đâu, cô Trình.