nọ, rồi bất ngờ làm ra vẻ không hiểu biết, đưa câu hỏi nhờ thầy giải đáp.
Thầy trả lời mà hớ, mà sai, nó mới gãi gãi vành taivờ vờ vĩnh vĩnh rụt rụt rè
rè: “Thưa thầy, theo em thì nó thế này có lẽ đúng hơn là cách giải thích của
thầy”. Thế là nó thao thao dạy lại thầy. Mấy ai, dù là thầy giỏi, dám tự nhận
thiên hạ có ba bồ chữ, mình có đủ từng ấy kiến thức chứa trong bụng?
Nhiều lần nó định làm bẽ mặt Tự. Nó có ông bác là đồ nho. Thủ sẵn lời
giải, nó đem câu chữ này nọ đến vờ vịt hỏi Tự để thử tài và lật tẩy Tự khi
có thể. Thôi thì đủ. Một điển cố trong Kiều, Hoa Tiên. Một tích chuyện
trong Sử ký Tư Mã Thiên, Cổ học tinh hoa... đến các trò vặt như: “Thưa
thầy, em nghe người ta nói: chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ đánh chữ qua, vậy
những chữ ấy thế nào mà dễ lầm với nhau thế ạ?”. Tự không một lần lấm
lưng trắng bụng trong các keo thử sức với chú bé bất trị này. Về sau, khi
anh nhập ngũ, nó ghi trong sổ lưu niệm của anh mấy dòng: “Em phục kiến
thức thầy 5, phục nhân cách thầy 5. Xin phép thầy, em cho thầy 10 điểm,
điểm tuyệt đối”. Nó khóc như mưa khi đưa tiễn anh và là kẻ viết đơn phản
đối các vị chức trách ở địa phương đã cố tình bắt anh ra mặt trận. Và coi đó
là một hành vi hủy diệt nhân tài. Nó đòi gặp cả ông Bí thư Tỉnh ủy để chất
vấn. Nó viết thư tố cáo tới tận Quốc hội, Chính phủ. Hữu đã bị Công an bắt.
Bị coi là một phần tử gây rối; sau bảy năm ở tù ra, chú trở thành một gã trai
ngớ ngẩn, suốt ngày lảm nhảm những bài văn thơ Tự dạy và đòi sửa lại chủ
nghĩa Mác. Mới đây nghe nói chú ta nổi cơn tâm thần, bỏ nhà vượt biên,
với ý định “sang châu Âu” để xem “học thuyết giá trị thặng dư của Kác
Mác” có còn đúng? Chú ta bị lạc trong rừng Tây Bắc và bị thú dữ ăn thịt!
Toàn thể học trò của anh hồi đó là bốn mươi mốt đứa, trừ một đứa, thằng
Tuẫn, tên Juđa phản nghịch, một trong những đầu mối gây nên bao rủi ro
cho đời anh, còn lại bốn mươi trang lưu niệm đẹp nhất trong cuốn sách viết
về đời anh. Bất cứ một em nào trong số đó giờ đây có thể tìm đến anh.
Chúng phản ánh anh. Mỗi em nhận ở anh một cái gì đó tốt lành và lưu giữ
suốt đời. Và như thì có thể người đến gặp anh là chú bé Phiêu lắm chứ.
Phiêu, cái chú bé rách rưới vì mẹ nó bỏ đi lấy chồng, sống cầu bơ cầu bất,
một chiều đông rét mướt, như một cánh chim lạc đàn đến trường học ngủ