đôi môi dày như đắp nặn, ngay cả ở cái câu đầu tiên gieo điệu nhạc cho
toàn thể bài huấn thị:
- Hôm nay, thị xã ta khai giảng trường cấp ba. Rồi đây chúng ta sẽ mở
trường cấp bốn, cấp năm, cấp sáu. Cũng như hiện tỉnh ta đã có giống lợn
Mường Khương, nhiều mỡ, rồi đây ta sẽ có giống lợn lai kinh tế nhiều nạc,
tăng trọng nhanh.
Chúng em, có đứa bịt mồm cười. Nhưng, rồi nén được. Lòng kính trọng
với cấp lãnh đạo đã thành một cơ chế hãm. Vả lại, ai còn lạ ông. Ông Lại,
đồ tể ở cái batoa cuối phố, cái lò mổ lợn bò của một người Hoa. Năm 1948,
ở cái batoa hẻo lánh ấy, cán bộ Việt Minh đã tới, bắt mối được vào anh đồ
tể Lại. Năm 1950, ông Lại chạy ra đón bộ đội vào giải phóng thị xã. Ấy là
chiến dịch Biên Giới. Tây chạy dài suốt rẻo biên cương. Ông Lại ở các hội
nghị Quân Dân Chính Đảng hồi ấy, kể lại chiến công hiển hách của mình
như sau: “Tôi dẫn một tiểu đội xông vào dinh thằng tỉnh trưởng. Cửa đóng.
Tôi đạp một phát, nhảy vào. Bàn giấy nó tung tóe giấy tờ, tài liệu. Khoái
quá! Đã bao giờ được đến đây. Vinh hoa bõ lúc phong trần. Tôi liền vạch
chim, tương luôn một bãi lên mặt bàn giấy của nó. Cho nó sướng!”.
Ông Lại là một con người như thế đấy. Trời, Phật, Đức Chúa Trời ba
ngôi, ông ta cũng có thể chửi bới, khinh miệt, huống hồ chúng em, huống
hồ các thầy.
Tuy vậy, chúng em cũng không thể ngờ rằng, vào cái ngày mở đầu một
tiến trình văn hóa mới, vui vẻ này, ông Bí thư Thị ủy lại gây cho chúng em
một nỗi buồn đau và tủi nhụư thế!
Ông nói: Này, các cô cậu học trò, nên nhớ rằng đây là một ân huệ quá
lớn và lẽ ra các người không đáng được hưởng đâu. Bởi vì bố mẹ, cô dì,
chú bác các người, đều là những phần tử tội lỗi, thuộc thành phần phi vô
sản. Vậy thì các người chớ có mà lên mặt. Và hãy liệu hồn, chớ có nhi