Nền giáo dục tân tiến khởi đầu như một phong trào giải phóng trẻ em
khỏi nguy cơ bị triệt tiêu mọi tài năng và ý chí, vốn đã là số phận của nhiều
đứa trẻ, thậm chí của cả những đứa nếu quan sát từ bên ngoài thì có vẻ thiên
về nội tại định hướng và có sự phát triển khá ổn định. Mục tiêu của nền
giáo dục mới, và trong một chừng mực đáng kể, thành tựu của nó, là nhằm
phát triển cá tính của trẻ; trong phương pháp giáo dục này, thầy cô chú
trọng quan tâm đến nhiều khía cạnh khác của trẻ hơn là chỉ quan tâm đến
khả năng trí tuệ. Song ngày nay, giáo dục tân tiến thường không còn tân tiến
nữa; khi tính cách con người dần thiên nhiều về ngoại tại định hướng, các
phương pháp giáo dục từng giải phóng cá nhân nay lại có chiều hướng ngăn
trở sự phát triển cá nhân thay vì nâng đỡ và bảo vệ nó. Câu chuyện này có
thể được tóm tắt đại khái như sau.
Các trường theo phương pháp tân tiến đã đóng góp vào việc hạ thấp tuổi
nhập học; các nhóm trẻ từ hai đến năm tuổi bắt đầu liên tưởng hình ảnh
trường học với - không phải những người lớn nghiêm khắc và các môn học
tẻ nhạt - mà là với sự vui chơi cùng những người lớn biết cảm thông.
Những người lớn này - ngày càng đông các sinh viên mới tốt nghiệp trẻ
trung - đã được chỉ dạy cách quan tâm đến đứa trẻ về phương diện thích
nghi tâm lý và xã hội hơn là tiến bộ về mặt học hành - thực chất là theo dõi
thành tích học tập để kịp thời tìm ra dấu hiệu cho thấy trẻ khó hòa nhập
được với xã hội. Những giáo viên mới này được đào tạo nhiều hơn về mặt
chuyên môn. Tuy không tự nhận là “thấu hiểu trẻ em”, nhưng họ đã nghiên
cứu các công trình của Gesell về lứa “tuổi lên năm” hay “lên chín”; và
những hiểu biết rộng rãi hơn đó không chỉ giúp ngăn đám trẻ liên kết thành
một khối luôn ngờ vực thầy cô hay cùng thông đồng chống lại nhà trường
mà còn cho phép thầy cô gây ảnh hưởng nhiều hơn vào việc hòa nhập các
lĩnh vực - tiêu dùng, tình bạn, năng lực tưởng tượng - những điều mà giáo
viên của nền giáo dục trước đây, dù mong muốn cũng không chạm đến
được. Xã hội giàu có hơn của chúng ta có thể chấp nhận mức độ cá biệt hóa
và những giáo huấn “không cần thiết” này.