Vậy chúng tôi ngụ ý gì khi nói đến “tính cách xã hội”? Chúng tôi không
nói đến “cá tính” (“personality”), thuật ngữ mà trong tâm lý học xã hội hiện
nay được dùng để chỉ toàn thể cái tôi, cùng các khí chất và những tài năng
di truyền của nó, các yếu tố sinh học cũng như tâm lý của nó, các thuộc tính
thoáng qua cũng như ít nhiều bền vững của nó. Chúng tôi thậm chí cũng
không nói đến “tính cách” (“character”) theo đúng nghĩa nội tại, nghĩa mà
như cách hiểu hiện nay thường gặp, muốn nói đến chỉ một phần của cá tính
- phần được hình thành không do di truyền mà do kinh nghiệm (vạch ra lằn
ranh giữa hai thứ này là chuyện không đơn giản chút nào): Tính cách, trong
nghĩa này, là một cấu trúc được điều kiện hóa ít nhiều ổn định về mặt xã hội
và lịch sử, gồm các động cơ cá nhân và sự thỏa mãn của một cá nhân - kiểu
như “bộ hành trang” mà một con người sử dụng khi tiếp cận với thế giới và
những người khác.
“Tính cách xã hội” là phần “tính cách” có chung ở các nhóm xã hội
chính, phần mà, như hầu hết các nhà khoa học xã hội hiện đại định nghĩa, là
sản phẩm từ kinh nghiệm của các nhóm này. Ý niệm tính cách xã hội cho
phép chúng ta bàn đến tính cách của các giai cấp, các nhóm, vùng miền và
các dân tộc, đó cũng là điều tôi làm trong suốt cuốn sách này.
Tôi không định nấn ná thêm về nhiều điều còn chưa rõ trong khái niệm
tính cách xã hội - liệu có thể quy kết nó một cách chính đáng cho kinh
nghiệm chứ không phải cho di truyền hay không; liệu có hay không bằng
chứng thực nghiệm cho thấy nó thực sự tồn tại; liệu ở đây nó có đáng được
xem là quan trọng hơn các yếu tố tính cách và cá tính gắn liền tất cả mọi
người khắp nơi trên thế giới lại với nhau, hay các yếu tố tính cách và cá tính
[có tác dụng] phân cách mỗi cá nhân với hết thảy mọi người khác, thậm chí
người thân nhất, hay không. Giả định rằng tính cách xã hội có tồn tại vẫn
luôn là một tiền đề ít nhiều không nhìn thấy được trong lối nói thông
thường và ngày nay đang trở thành một tiền đề ít nhiều nhìn thấy được
trong các ngành khoa học xã hội. Do vậy, dù khoác tên này hay tên khác, nó
cũng sẽ không xa lạ với bạn đọc nào từng biết đến các trước tác của Erich
Fromm, Abram Kardiner, Ruth Benedict, Margaret Mead, Geoffrey Gorer,