Karen Horney và của nhiều tác giả khác, họ đã viết về tính cách xã hội nói
chung, hay tính cách xã hội của các dân tộc khác nhau và vào những thời kỳ
khác nhau.
Hầu hết các tác giả này - cũng như tôi - đều cho rằng những năm tháng
ấu thơ có tầm quan trọng lớn lao trong quá trình hình thành tính cách. Phần
lớn họ đều đồng ý - như tôi - rằng không thể xem xét tách rời những năm
đầu đời với cấu trúc xã hội, vốn là cái ảnh hưởng đến các bậc cha mẹ nuôi
dạy những đứa trẻ, cũng như trực tiếp ảnh hưởng đến đứa trẻ. Bản thân
những người cộng tác và tôi cũng dựa trên nền tảng nhất trí chung này, và
không định bàn xem các tác giả này khác nhau thế nào và chúng tôi khác họ
ở điểm nào.
I. Tính cách và xã hội
Tính cách xã hội và xã hội liên quan với nhau ra sao? Làm sao mà xã hội
nào dường như cũng đều có được, không nhiều thì ít, tính cách xã hội mà
nó “cần”? Erik H. Erikson viết, trong một nghiên cứu về tính cách xã hội
của người da đỏ Yurok, rằng “… các hệ thống nuôi dạy con cái… cho thấy
những gắng gỏi vô thức nhằm tạo ra từ nguyên liệu con người một tập hợp
thái độ vốn đang (hay đã từng) là cái tối ưu trong những điều kiện tự nhiên
đặc thù và các nhu cầu thiết yếu về kinh tế và lịch sử của bộ lạc”.
Từ “các nhu cầu thiết yếu về kinh tế và lịch sử” đến “các hệ thống nuôi
dạy con cái” là một bước nhảy dài. Phần lớn công việc của sinh viên nghiên
cứu tính cách xã hội đã dành để lấp khoảng cách đó và cho thấy sự thỏa
mãn “các nhu cầu” rộng lớn nhất của xã hội được chuẩn bị ra sao, theo một
cách có phần bí ẩn nào đó, bởi các tập quán mật thiết nhất của xã hội. Erich
Fromm đã súc tích gợi mở đường dây theo đó có thể lần ra mối liên hệ giữa
xã hội và sự rèn luyện tính cách này: “Xã hội nào muốn vận hành tốt thì các
thành viên phải học được kiểu tính cách khiến họ muốn hành xử theo cách
họ phải hành xử với tư cách là thành viên của xã hội hay của một giai cấp
riêng biệt trong xã hội đó. Họ phải mong muốn cái mà xét về khách quan là
họ cần phải làm. Ngoại lực được thay thế bằng thôi thúc nội tại, và bằng