Mặt trời đã lặn nơi đường chân trời. Người thợ đàn trẻ chùi nước
mắt. Chàng ngồi xổm dưới gốc cây đào trước nắp quan tài. Chàng
nhận ra sư phụ đã lấy ngón tay khắc lên đó một chữ “diệu”. Thẩm
Phong lấy một miếng giẻ chùi tấm gỗ. Hơi nhô lên ở giữa, tấm gỗ
có đường nét tuyệt hảo và hình khối thanh nhã. Được phủ một lớp
sơn đen loại đặc biệt, nó thậm chí còn phản chiếu được ánh mặt trời
lúc chiều tà. Thẩm Phong nhớ lại một cuộc nói chuyện với sư phụ.
- Gỗ quan tài rất xấu khi quan tài dùng cho một người tâm địa
xấu xa, - người thợ đàn già nói với chàng.
- Tìm một quan tài của người tốt ở đâu? - Chàng hỏi vặn lại. - Lúc
sống, một người có chí khí có thể làm điều thiện xa rời điều xấu.
Lúc chết, khi đã phân rã, rời khỏi mọi đạo đức và luật lệ, không còn
tài sản làm hành trang, chẳng phải anh ta cũng chỉ là một bộ xương
như bao kẻ khác sao?
Thẩm Phong vuốt ve tấm gỗ. Chàng ngạc nhiên khi không cảm
thấy hơi lạnh của tấm gỗ đã ba vương triều nay không đón mặt
trời. Chàng gõ gõ vào giữa làm phát ra một tràng âm thanh trong
trẻo.
Khúc gỗ này đang sống. Có phải đó là ý nghĩa của từ “diệu” mà sư
phụ chàng khắc lại? Diệu, tính từ chỉ một phụ nữ đẹp yêu kiều, có
phải nó muốn nói một cây đàn cổ cầm tuyệt diệu? Thẩm Phong đã
quen đặt ra những câu hỏi và nhận lại những câu trả lời. Chàng cũng
quen đi theo và trợ giúp sư phụ. Cái im lặng quanh ngôi nhà làm
chàng nhớ ra người thợ đàn già không còn ở đó để chỉ dẫn cho chàng
nữa.
Chàng tiếc đã để ông ra đi. Đúng ra chàng đã phải chạy theo giữ
ông lại bằng sức mạnh và nước mắt.