nhìn đỉnh đầu quan huyện, hỏi một câu ý tứ sâu xa. Không đợi quan huyện
trả lời, ông ta cầm chén trà gõ trôn chén vào cạnh dĩa một cái, đứng dậy
bảo quan huyện – Niên huynh phải hết sức cẩn thận, rớt mũ là chuyện nhỏ,
rơi đầu mới là chuyện lớn!
Sau khi về Cao Mật, quan huyện bị ốm. Thoạt tiên là đầu váng mắt hoa,
thượng thổ hạ tả, sau đó là sốt cao, mê sảng. Tri huyện phu nhân một mặt
trông bệnh bốc thuốc, một mặt bày hương án, đêm đêm khấn cái cầu cho
quan huyện tai qua nạn khỏi. Không hiểu do thuốc hay do thần linh phù hộ,
quan huyện xì mũi ra nửa bát huyết đen tanh tưởi, sau đó sốt lui, tả cũng
dừng. Lúc này đã là trung tuần tháng Hai, điện báo từ tỉnh, đạo, phủ về việc
tróc nã Tôn Bính như bươm bướm, các thơ lại nháo nhác như đê vỡ, còn
ông huyện thì mê mê tỉnh tỉnh, cơm chẳng buồn ăn, cứ như thế này thì nói
gì đến chuyện thăng đường nghị sự, ngay cả tính mệnh cũng khó đảm bảo.
Phu nhân đích thân vào bếp, trổ hết tài nấu nướng, cũng không làm sao cho
quan huyện thấy ngon miệng.
Trước tết thanh minh mười mấy ngày, buổi chiều, phu nhân cho gọi Xuân
Sinh vào Đông Hoa sảnh để hỏi.
Xuân Sinh thấp thỏm bước vào phòng, thoáng thấy phu nhân cau đôi mày
liễu, sắc mặt hầm hầm, ngồi ngay ngắn trên ghế dựa như một pho tượng,
liền quì sụp, nói:
- Phu nhân cho gọi tiểu nhân, chẳng hay có điều gì sai bảo?
- Ngươi đã làm một việc tốt đấy! – Phu nhân lạnh lùng nói.
- Tiểu nhân có làm gì đâu ạ!
- Ông lớn đã đi lại với con Tôn Mi Nương như thế nào? – Phu nhân nghiêm
giọng hỏi – Có phải cái đồ khốn nạn nhà ngươi dắt mối không?
- Bẩm phu nhân, quả thật oan cho tiểu nhân – Xuân Sinh vội phân trần -
Tiểu nhân chỉ như con chó bên cạnh đại nhân, đại nhân chỉ đâu cắn đấy.
- Xuân Sinh to gan! Lại còn chống chế - Phu nhân nổi giận – Ông lớn bị
bọn bay dụ dỗ làm cho hư hỏng rồi!
- Quả tình oan cho tiểu nhân…
- Thằng nhóc Xuân Sinh, thân danh làm tay chân thân tín của ông lớn, đã
không khuyên giải ông lớn dẹp bỏ ham muốn, tận tụy việc quan, trái lại,