Nhưng dân chúng bỏ ngoài tai những lời cầu khẩn của ta. Như những con
sóng dồn nhau trên bãi cát, họ rùng rùng tiến đến bao vây xung quanh
Thăng Thiên đài. Các nha dịch của ta tuốt gươm khỏi vỏ như gặp kẻ địch.
Đám thảo dân trầm lặng, nét mặt lạ lùng, khiến tim ta giật thót. Phía tây,
mặt trời đỏ rực đã lặn. Phía đông, vầng ngọc thỏ đã lên. không khí trên
pháp trường, trên Thăng Thiên đài và trên khuôn mặt mỗi người, là sự hòa
trộn giữa nóng ấm của mặt trời và mát mẻ của trăng rằm.
Bà con giải tán đi, về nhà đi!…
Dân chúng vẫn trầm lặng.
Đột nhiên Tôn Bính cất tiếng hát. Miệng ông không kín hơi, và do tâm tình
xúc động, tiếng hát của ông rè như tiếng đàn gió cũ, ở vị trí của ông, có thể
nhìn bao quát tình hình xung quanh. Tính cách của ông là như vậy, trong
tình huống như thế này, chỉ cần còn một hơi thở, là ông cất tiếng hát. Thậm
chí có thể nói, ông chờ đợi những giây phút như thế này. Ta cũng chợt hiểu,
đám dân chúng bao vây Thăng Thiên đài, không phải để cướp Tôn Bính,
mà là muốn nghe ông hát. Nhìn kìa, tất cả những cái đầu đều ngẩng lên,
những cái miệng đều hé mở, chỉ mê hát mới có thực sự có hình ảnh đó.
Rằm tháng Tám trăng trong ~ ~ ~ Đài cao lồng lộng gió đông.
Tôn Bính mở miệng là hát điệu Bi của Miêu Xoang. Vì chửi rủa nhiều, gào
thét nhiều, giọng ông khản đi. Nhưng giọng khàn cùng với hình ảnh mờ ảo
máu xương tơi tả khiến lời ca bi tráng thê thảm, chấn động tâm can. Ta phải
thừa nhận rằng, vùng Cao Mật xa xôi hẻo lánh đã sản sinh ra một Tôn Bính
thiên tài, một Tôn Bính anh hùng, không kém bất cứ nhân vật nào trong liệt
truyện của các Thái Sử công. Ông sẽ lưu danh thiên cổ qua truyện kể, qua
kịch bản Miêu Xoang. Nghe bọn tay chân của ta tâu lại, sau khi Tôn Bính
bị bắt, vùng Đông Bắc Cao Mật xuất hiện một gánh hát Miêu Xoang do
một số người tập hợp lại. Trong diễn xuất, họ kết hợp với những hoạt động
mai táng, cúng bái những người chết trong loạn lạc, bao giờ cũng mở đầu
bằng gào khóc và kết thúc cũng bằng gào khóc. Hơn nữa, trong kịch bản đã
có nội dung Tôn Bính chống Đức.
Ta thân chịu cực hình ruột gan tan nát ~ ~ ~ ngóng quê nhà, lệ đẫm mắt!
Đám dân phía dưới có tiếng nức nở, trong đó xen lẫn tiếng “Mi-ao”, đủ